Trong công văn của đơn vị trên ghi rõ mua 300 bộ áo mưa, mỗi bộ 1 triệu đồng, chưa kể ủng cao su cũng tròm trèm 120.000 đồng/đôi. Giá thị trường thì chắc ai cũng biết, áo mưa tốt chỉ khoảng hơn trăm ngàn, ủng cao su 50.000 đồng. Không biết áo mưa cho các lãnh đạo trên đặc dụng thế nào mới có giá đó.
Thói quen xài sang bằng tiền của dân khi có cơ hội đã ngấm vào suy nghĩ của không ít cán bộ. Năng lực thì chưa biết đến đâu nhưng trước mắt người dân đã khệnh khạng, cơ quan phải to, phòng làm việc phải sang, đi ôtô phải oách. Nay chống bão còn phải mang áo mưa tiền triệu. 300 triệu đồng chẳng phải con số quá lớn, nhưng đủ để dựng lại nhiều mái nhà dột cho người dân, xây vài cây cầu nhỏ qua vùng sâu, sửa được vài mái trường xập xệ cho những đứa trẻ lem luốc. Trong gió bão, bao người còn không còn nhà để trú, mơ gì núp mình trong những chiếc áo mưa đắt tiền đến thế.
Chúng ta cũng chưa quên vụ dư luận xã hội bị sốc trước kiểu xài sang mà ngay đại gia cũng rát mặt của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV). Kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống, tập đoàn này đã chi 70 tỉ đồng chỉ để làm kỷ niệm chương, trong khi nợ nần chồng chất, sai phạm tràn lan. Còn tại Hà Nội, nhiều quận, huyện "nổi hứng" xài sang khi cho lát đá trên lề hàng trăm tuyến đường. Tổng số tiền dự kiến chi cả mấy trăm tỉ đồng, trong khi lề đường cũ bằng gạch bao năm qua vẫn sử dụng tốt.
Xài của công thì chẳng ngại ngần. Ngay cả tỉnh nghèo khó vào bậc nhất nước như Hà Giang cũng đề nghị xây trụ sở ngàn tỉ kia mà. Cũng may, Bộ Tài chính đã bác dự án viển vông này. Nói thế, nhưng thời gian qua đã có hàng chục tỉnh kịp xây dựng trụ sở hào nhoáng bằng tiền của dân rồi. Tỉnh này xây được thì tỉnh khác cũng tranh thủ, bất kể ngân sách eo hẹp, hằng năm phải nhận hàng ngàn tỉ đồng từ trung ương hỗ trợ và phải nhận gạo cứu đói cho người dân. Xài sang như thế trong khi người dân kiếm miếng ăn vất vả, trẻ em khó nhọc đến trường thì có thấy xấu hổ?
Ngay những ngày qua, Quốc hội đang bàn về công tác chống lãng phí thì thông tin từ báo cáo của Chính phủ cho biết trong năm 2017, các địa phương, ban ngành đã sắm mới 1.081 xe công với tổng giá trị hơn 1.000 tỉ đồng. Chủ trương khoán xe công, giảm lãng phí ngân sách nhà nước đã được Chính phủ quyết liệt chỉ đạo các địa phương, ban ngành trung ương thực hiện từ nhiều năm qua, nhưng đến nay số đơn vị thực hiện chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Hầu hết các địa phương cứ lần lữa chối từ và tiếp tục chi tiền mua xe cho cán bộ. Mà cũng lạ, cán bộ chẳng thiếu xe nhưng vẫn muốn đi xe công như bị sự ám ảnh.
Xài phí 1 đồng của công thì dân khổ thêm một phần chứ vinh dự gì.
Bình luận (0)