Lãnh đạo hãng đưa ra quyết định nói trên bởi về kỹ năng, cách làm của 2 nhân viên đã sai quy định; không đúng chuẩn; về trách nhiệm, đó là sự cẩu thả, thiếu tôn trọng khách hàng.
Vẫn có ý kiến khác nhau về chuyện này. Cho rằng do áp lực thời gian và khối lượng công việc nặng nề, nhiều người thông cảm cho 2 nhân viên bốc xếp. Ở phía ngược lại, đông hơn, đã ủng hộ quyết định sa thải, bởi nếu không đủ sức làm thì xin thôi việc hoặc chuyển việc; còn đã làm dịch vụ thì phải giữ chữ tín bằng thái độ lao động nghiêm túc, chấp hành kỷ luật của đơn vị và văn hóa doanh nghiệp. Những yếu tố này chính là sự sống còn của bên làm dịch vụ. Mất uy tín thì không thể tồn tại và phát triển, đồng nghĩa rằng nếu không xử lý mạnh tay hành động cẩu thả ấy và để nó trở nên phổ biến thì không chỉ riêng 2 nhân viên bốc xếp đó mất việc mà cả ngàn người lao động cũng gặp nguy cơ tương tự, lúc ấy thì thương hiệu cũng tiêu tan.
Sự "xàng xê" của dư luận cũng phần nào dễ hiểu, do ở xứ ta thường có tâm lý xuê xoa. Đây cũng chính là lý do khiến kỷ luật lao động của người Việt nhìn chung còn kém, dẫn tới năng suất lao động thấp và khi đi xuất khẩu lao động thì bị mất giá.
Không nghiêm trị những hành vi xấu, dù chỉ bột phát hay có tính hệ thống, tức là dung dưỡng mầm mống cho những sự cố lớn hơn, nghiêm trọng hơn có thể nảy nòi về sau. Từ chỗ quăng quật hành lý dễ dẫn tới bỏ bê hoặc trộm cắp tài sản. Thực tế đã xảy ra nhiều.
Thêm một trường hợp khác cũng rất buồn cho hàng không Việt Nam. Hôm 4-11, 2 nữ tiếp viên hãng Vasco đánh nhau trên xe trung chuyển vào nhà ga sân bay Tân Sơn Nhất khiến một cô bị sưng bầm vùng mặt. Một hình ảnh thật là phản cảm!
Phụ nữ đánh nhau đã thấy khó coi, nữ tiếp viên hàng không vốn xinh đẹp, nhã nhặn, lịch sự mà hạ cẳng chân - thượng cẳng tay với nhau trước bàn dân thiên hạ thì chẳng ra gì, rất mất mặt người trong cuộc, cả Vasco và ngành hàng không nói chung.
Những hành động xấu xa đó ảnh hưởng rất lớn đến uy tín thương hiệu doanh nghiệp, xa hơn nữa là thể diện quốc gia bởi ngành hàng không có tính quốc tế. Bạn bè năm châu nhìn vào đây mà đánh giá trình độ phát triển và văn hóa hàng không Việt Nam. Ai làm sai thì pháp luật xử nhưng gốc rễ của vấn đề vẫn là nền tảng văn hóa.
Hai sự việc kể trên khiến chúng ta không thể bỏ qua trường hợp ai đó viết chữ "A", "Hào" trên phiến đá tại di tích thành cổ Yonago (tỉnh Tottori - Nhật Bản), đang bị nước này chỉ trích hết sức gay gắt và truy lùng để xử phạt. Mấy chữ tiếng Việt đó mà thật sự do người Việt Nam khắc vẽ thì quả xấu hổ vô cùng!
GS-TSKH Trần Ngọc Thêm nhận xét trong công trình nghiên cứu "Hệ giá trị Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại và con đường tới tương lai" (NXB Văn hóa Văn nghệ, 2016): "Thiếu ý thức pháp luật là một trong những chứng bệnh tiêu biểu phát sinh từ tính linh hoạt của người Việt Nam". Rõ ràng, nó là một chứng bệnh mạn tính, rất khó chữa!
Bình luận (0)