Trong Kết luận số 22-KL/TW ngày 7-11-2017 của Bộ Chính trị về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020, Bộ Chính trị đã "đồng ý để TP Hà Nội được triển khai thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị trong khu vực các quận; tiếp tục củng cố chính quyền nông thôn theo quy định của pháp luật". Thời gian qua, Hà Nội đã nhiều lần tổ chức các hội nghị lấy ý kiến về dự thảo đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị của TP (đô thị đặc biệt).
Kết hợp đô thị - nông thôn
Tính đến ngày 1-4-2019, Hà Nội có khoảng 8 triệu người, là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa của cả nước, giữ vị trí đặc biệt quan trọng. Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên được Trung ương và Chính phủ giao xây dựng mô hình chính quyền đô thị, theo hướng xây dựng mô hình chính quyền đô thị Hà Nội với đặc trưng thủ đô và đô thị đặc biệt đang trong quá trình đô thị hóa nhanh.
Xây dựng chính quyền đô thị là nhiệm vụ bức thiết và là ưu tiên hàng đầu của TP Hà Nội trong thời gian tới
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban Chỉ đạo đề án, nêu rõ: "Quản lý theo mô hình chính quyền đô thị là mong muốn chính quyền đô thị Hà Nội hiệu quả, tự chủ, năng động và có đủ thẩm quyền, đủ trách nhiệm để giải quyết những vấn đề mà người dân đặt ra, của đô thị đặt ra. Chúng tôi đã tiến hành các nghiên cứu bài bản theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ và các cơ quan có liên quan, nghiên cứu 8 đề án nhánh, thực hiện các cuộc đánh giá xã hội học đối với những đối tượng bị ảnh hưởng, tổ chức 8 hội thảo để lấy ý kiến đóng góp xây dựng đề án".
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng, mục tiêu của việc xây dựng đề án là nghiên cứu, đề xuất phương án thí điểm, trong đó tập trung vào mô hình tổ chức chính quyền tại khu vực đô thị (quận, thị xã, phường) của TP và tiếp tục đổi mới, củng cố chính quyền nông thôn (huyện, xã, thị trấn).
Thực hiện từ năm 2021
Theo đề án này, có 2 phương án được đưa ra. Phương án 1 là xây dựng mô hình tổ chức 2 cấp chính quyền; 1 cấp hành chính ở cấp TP và quận, huyện, 1 cấp hành chính ở xã, phường. Về tổ chức chính quyền ở cấp TP và cấp quận, huyện, sẽ cơ bản giữ nguyên như hiện nay, gồm HĐND và UBND. Tuy nhiên, tổ chức chính quyền cấp xã, phường, thị trấn không tổ chức HĐND. Phương án 2 là tinh gọn mạnh mẽ bộ máy, tổ chức HĐND các cấp quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn được xóa bỏ. Hà Nội chủ trương xây dựng 1 cấp chính quyền TP, 1 cấp hành chính quận, huyện, thị xã và 1 cơ quan hành chính đại diện ở xã, phường, thị trấn.
Tại các hội nghị lấy ý kiến về dự thảo mới đây, đa số đại biểu tán thành thiết kế mô hình thí điểm tổ chức chính quyền đô thị theo phương án 1. Các đại biểu cho rằng thời gian thực hiện đề án nên bắt đầu từ đầu năm 2021.
Ông Vũ Đức Bảo, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội, nhìn nhận đề án chính thức vẫn đang trong quá trình xây dựng. Tổ soạn thảo đề án đã dành nhiều thời gian đánh giá các ưu điểm, kết quả đạt được của tổ chức bộ máy thời gian qua. "Chúng ta không phủ nhận các kết quả đã có, cơ bản tổ chức bộ máy là tốt. Tuy nhiên, hiện nay khi TP sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản theo hướng hiệu quả, hiệu lực thì bên cạnh những ưu điểm cần xem lại những bất cập, mang tính hình thức, chưa hiệu quả, trên tinh thần tổng quan rất thực tế thì mới rút ra được những vấn đề cần điều chỉnh" - ông Vũ Đức Bảo nói.
Ông Bảo cũng cho rằng làm sao khi sắp xếp tổ chức bộ máy hiệu quả mà không làm mất đi quyền của các tổ chức, chức năng nhiệm vụ của bộ máy, quyền lợi của người dân. Với mô hình được lựa chọn, tổ chức bộ máy, nhiệm vụ của HĐND, UBND cấp quận, phường đều sẽ phải được tính toán lại. Về tổ chức hệ thống chính trị, dù mô hình nào cũng cần bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, triệt để của hệ thống Đảng, cấp ủy các cấp.
Phục vụ người dân tốt hơn
Mới đây, làm việc giữa Ban Cán sự Đảng Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thủ đô, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá việc Hà Nội chủ động đề xuất thực hiện thí điểm tổ chức quản lý theo mô hình chính quyền đô thị thực sự cần thiết. Tuy nhiên, phải bám sát các chủ trương của Đảng và kết luận của Bộ Chính trị, đồng thời bảo đảm nguyên tắc Hiến định. Việc tổ chức thí điểm theo hướng tinh gọn có tính tập trung, thống nhất hoạt động, có hiệu quả cao và bước đi phù hợp, không tạo cú sốc, phục vụ tốt hơn cho người dân. Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị, do đó nội dung cần tập trung áp dụng đối với phạm vi 12 quận; đối với các huyện thì vẫn thực hiện theo đúng quy định hiện hành của pháp luật. Sẽ tiếp tục phân cấp mạnh mẽ cho Hà Nội để nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cũng như hiệu quả quản lý. Thủ tướng nêu rõ: "Ai làm tốt hơn thì giao cho người đó làm và phải bỏ ngay quan điểm quyền anh, quyền tôi, phải coi đây là việc chung, vì sự nghiệp chung của Hà Nội".
Bình luận (0)