Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) ngày 12-12 đã tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020 tại thủ đô Hà Nội với sự tham dự của hơn 5.000 đại biểu tại hơn 80 điểm cầu trên cả nước. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban Chỉ đạo - chủ trì hội nghị.
Xử lý tham nhũng không có vùng cấm
Trình bày Báo cáo tổng kết tại hội nghị, ông Phan Đình Trạc - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo - nêu rõ: Từ khi thành lập Ban Chỉ đạo năm 2013 đến nay, nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, việc phát hiện và xử lý tham nhũng được chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, tạo bước đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng. Điều này khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, nhà nước trong chống tham nhũng, "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào".
Từ năm 2013-2020, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 131.000 đảng viên. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay đã thi hành kỷ luật hơn 87.000 cán bộ, đảng viên (trong đó trên 3.200 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng); hơn 110 cán bộ thuộc diện trung ương quản lý (27 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, hơn 30 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang). Ông Phan Đình Trạc nhấn mạnh đây là bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng.
Tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế được nâng lên rõ rệt. Nếu như năm 2013, tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong giai đoạn thi hành án chỉ đạt dưới 10% thì bình quân giai đoạn 2013-2020 đạt 32,04%.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biều dự hội nghị - Ảnh: TTXVN
Kiểm soát quyền lực để chặn từ gốc
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Trong công tác phòng, chống tham nhũng, trước hết phải có quyết tâm chính trị cao và phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, tập trung, thống nhất của Đảng, mà trực tiếp, thường xuyên là Ban Chỉ đạo. Phải biến quyết tâm chính trị thành hành động thực tế của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân; sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng.
Phòng, chống tham nhũng là chống giặc nội xâm; là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách vừa khó khăn, phức tạp, lâu dài. Do đó, phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục, "không ngừng", "không nghỉ" ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực...
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh phải xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để "không thể tham nhũng", một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để "không dám tham nhũng", một cơ chế để "không cần tham nhũng".
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý tiếp tục xây dựng, hoàn thiện, đồng bộ thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý kinh tế - xã hội và phòng chống tham nhũng; kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những "khoảng trống", "kẽ hở" để "không thể tham nhũng".
Thể chế nói chung, thể chế về phòng, chống tham nhũng nói riêng cùng với chuẩn mực đạo đức trên các lĩnh vực và cơ chế kiểm soát quyền lực là yếu tố cơ bản, nền tảng, có tác dụng ngăn chặn từ gốc hành vi tham nhũng. Do đó, phải xây dựng các quy chế nội bộ của Đảng, các nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức áp dụng đối với cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, liêm chính, gương mẫu đi đầu trong phòng, chống tham nhũng. Phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội để hạn chế sự tác động tiêu cực của "nhóm lợi ích", "sân sau", "tư duy nhiệm kỳ", ngăn chặn nguy cơ nảy sinh tham nhũng từ khi xây dựng chính sách, pháp luật.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng các cấp ủy, tổ chức Đảng phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra kiểm toán; đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; ngăn chặn có hiệu quả tệ "tham nhũng vặt’’; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng. Đấu tranh chống tham nhũng phải gắn liền với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" bởi hai mặt này có quan hệ rất chặt chẽ với nhau. Phải kịp thời phát hiện, giải quyết từ sớm, ngăn chặn từ đầu các hành vi sai phạm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn. Mọi cán bộ, đảng viên vi phạm thì phải có hình thức xử lý kịp thời, đồng bộ, nghiêm minh, công khai.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của mình; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; cải cách hành chính và xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
18 cán bộ thuộc diện trung ương quản lý bị xử lý hình sự
Từ năm 2013 đến nay, các cơ quan tố tụng trong cả nước đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm hơn 11.700 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế, trong đó có 1.900 vụ án tham nhũng, với gần 4.400 bị cáo.
Riêng Ban Chỉ đạo đã đưa vào theo dõi, chỉ đạo hơn 800 vụ án, vụ việc ở 3 cấp độ. Trong đó trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 133 vụ án, 94 vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. 86 vụ án, 814 bị cáo đã bị đưa ra xét xử sơ thẩm, trong đó có 18 cán bộ diện trung ương quản lý bị xử lý hình sự (1 Ủy viên Bộ Chính trị, 7 ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 4 bộ trưởng, nguyên bộ trưởng, 7 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang...).
Bình luận (0)