Ngày 4-10, trước thông tin báo chí phản ánh trên đèo Mã Pí Lèng mọc lên một công trình đồ sộ, ông Hoàng A Chinh, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Hà Giang, cho biết địa phương này đang lập đoàn kiểm tra các trình tự, thủ tục có liên quan.
Ảnh hưởng đến cảnh quan
Theo một lãnh đạo UBND huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, đó là công trình nhà hàng, nhà nghỉ Panorama cao 7 tầng, nằm ngay trên hẻm vực Tu Sản được xây dựng từ năm 2018, hoàn thành và đưa vào sử dụng từ đầu năm 2019. Công trình này nằm thoải theo sườn đèo, có 5 ban công lớn để du khách ngắm cảnh.
"Đây là dự án đầu tư đầu tiên của tư nhân trên đèo Mã Pí Lèng sau nhiều nỗ lực kêu gọi đầu tư của huyện những năm qua. Chủ của công trình này là một hộ gia đình ở TP Hà Giang. Công trình đến nay vẫn chưa được cấp phép xây dựng vì xây dựng trên đất nông nghiệp chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng. Huyện Mèo Vạc đã có kế hoạch xin điều chỉnh quy hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng của đất này để cấp giấy phép xây dựng cho dự án theo đúng quy định" - vị lãnh đạo UBND huyện Mèo Vạc nói.
Đại diện Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) cho biết Cục Di sản văn hóa đã gửi văn bản yêu cầu Sở VH-TT-DL tỉnh Hà Giang chỉ đạo cơ quan chức năng xác minh thông tin, kiểm tra quy trình, thẩm định công trình Panorama. Sau đó, theo báo cáo kết quả kiểm tra, công trình này do bà Vũ Thị Ánh (trú TP Hà Giang) làm chủ đầu tư, được khởi công từ đầu năm 2018 và đã đi vào hoạt động nhưng chưa có giấy chứng nhận đầu tư và giấy phép xây dựng. Bà Ánh chưa được cấp giấy chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng cây sang đất thổ cư, xây dựng.
Ngoài ra, tuy nằm ngoài vùng bảo vệ II của danh thắng Mã Pí Lèng nhưng theo Luật Di sản văn hóa, công trình ảnh hưởng xấu đến cảnh quan và môi trường thì phải có ý kiến thẩm định của cơ quan quản lý văn hóa và công trình này chưa có văn bản thỏa thuận của Bộ VH-TT-DL.
Công trình xây dựng trên đèo Mã Pí Lèng bị dư luận phản ứng. Ảnh: C.T.V
Trái quyết định quy hoạch của Thủ tướng
Ông Nguyễn Thanh Giang, Phó trưởng Ban Quản lý Công viên Địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, xác nhận đèo Mã Pí Lèng thuộc khu vực công viên đang quản lý. Còn theo ông Trương Văn Quảng, Phó Tổng Thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, ngoài việc được công nhận là di tích danh lam thắng cảnh quốc gia thì khu vực Mã Pí Lèng còn nằm trong Công viên Địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, được UNESCO trao danh hiệu vào năm 2016. Vì vậy, nơi đây phải tuân thủ theo quy định của quốc tế để bảo vệ giá trị cảnh quan của cao nguyên đá mang tính toàn cầu.
"Tất cả công trình xây dựng trong khu vực này phải căn cứ vào quyết định của Thủ tướng. Quy hoạch nơi đây không cho phép xây dựng tại đèo Mã Pí Lèng mà chủ yếu khai thác cảnh quan kết hợp du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm…" - ông Quảng nói và cho rằng việc xây dựng như vậy sẽ phá vỡ cảnh quan, tổng thể phát triển du lịch, đặc biệt là không tuân thủ quy hoạch của Chính phủ. Để phát triển du lịch, nơi đây chỉ nên xây dựng công trình mang tính điểm nhìn, điểm dừng nhỏ nhưng vẫn phải tôn vinh cảnh quan chứ không phải xây dựng những công trình đồ sộ như hiện nay.
Kiến nghị tháo dỡ công trình
Ông Lâm Tiến Mạnh, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Hà Giang kiêm Trưởng Ban Quản lý Công viên Địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, khẳng định công trình 7 tầng trên đỉnh Mã Pí Lèng là sai phạm. "Chúng tôi kiến nghị lãnh đạo tỉnh yêu cầu chủ đầu tư tháo dỡ công trình, trả lại hiện trạng, cảnh quan ban đầu. Việc để công trình này tồn tại là xâm hại di sản, xâm hại cảnh quan và phá vỡ cảnh quan thiên nhiên" - ông Mạnh bày tỏ.
Bình luận (0)