Xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam nói chung, TP HCM nói riêng bền vững có khả năng hội nhập quốc tế là một công cuộc vĩ đại và dài lâu, đòi hỏi phải có những con người đáp ứng được yêu cầu của công cuộc đó. Đề cập đến xây dựng con người Việt Nam tiên tiến, có bản sắc văn hóa cũng tức là đề cập đến xây dựng công dân kiểu mẫu trong mối quan hệ pháp lý với nhà nước.
Mối quan hệ biện chứng
Không thể có con người tiên tiến, có bản sắc văn hóa nếu không có công dân kiểu mẫu. Công dân kiểu mẫu thì trước tiên phải sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật. Hiến pháp Việt Nam hiện hành quy định rất rõ ràng, cụ thể và chặt chẽ các quyền và nghĩa vụ của công dân Việt Nam. Công dân của nhà nước Việt Nam XHCN thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ do Hiến pháp quy định đã có thể xem đó là công dân kiểu mẫu. Vấn đề cần đặt ra là trong mối quan hệ pháp lý của công dân với nhà nước thì nhà nước phải có trách nhiệm như thế nào để công dân có thể thực thi được quyền và nghĩa vụ của mình.
Đại biểu HĐND biểu quyết nhiều chính sách quan trọng tại kỳ họp thứ 23 HĐND TP HCM khóa IX.Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Sẽ là không tưởng nếu nói nhà nước mạnh mà không có công dân hiểu biết và thực thi đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình; ngược lại, cũng không thể đòi hỏi có công dân kiểu mẫu nếu nhà nước hạn chế về năng lực xây dựng và ban hành luật pháp.
Khi công dân có các quyền hiến định, đồng thời có các nghĩa vụ tuân theo hiến pháp và pháp luật, tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và chấp hành theo những quy tắc sinh hoạt công cộng, thì vấn đề cấp thiết đặt ra cho nhà nước là phải nhanh chóng kiện toàn hệ thống pháp luật và ban hành kịp thời các quy định pháp luật để tạo điều kiện cho công dân thực thi các quyền và nghĩa vụ của công dân đã ghi trong hiến pháp.
Công dân làm sao có thể thực thi quyền được học tập chẳng hạn nếu nhà nước không đủ ngân sách hoặc có chính sách để huy động nguồn lực xã hội ngoài ngân sách cho việc xây dựng trường học đạt chuẩn cả về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất an toàn cho học sinh, kể cả việc chi phí cho học sinh nghèo đến trường? Công dân làm sao có thể thực thi quyền tham gia vào việc quản lý nhà nước và xã hội, tham gia vào việc thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, của địa phương nếu nhà nước ở các cấp không chân thành trong việc công bố và lấy ý kiến người dân về các vấn đề hệ trọng của địa phương?
Chính quyền nêu gương
Cần thấy rằng hơn hết, công chức, viên chức nhà nước phải có trí tuệ và năng lực làm việc; sự tuân thủ nghiêm cẩn các quy định của pháp luật; đồng thời luôn có sự đóng góp bổ sung, xây dựng để pháp luật luôn song hành cùng cuộc sống, luôn đặt mình vào vị trí người dân khi chỉ đạo, điều hành công việc liên quan đến người dân. Đó chính là những hình ảnh truyền cảm hứng mạnh mẽ cho người dân, khích lệ công dân thực thi đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình theo hiến pháp và pháp luật, từ đó trở thành những công dân kiểu mẫu.
Tóm lại, muốn có công dân kiểu mẫu sống và làm việc theo pháp luật thì điều tiên quyết là phải có nhà nước kiểu mẫu. Đó là nhà nước biết tổ chức xây dựng hệ thống luật pháp đúng đắn, ngày càng hoàn chỉnh; từ đó ban hành chính sách vì lợi ích của dân, hợp lòng dân, để người dân có công ăn việc làm, đời sống vật chất ổn định và từng bước phát triển; đời sống văn hóa, tinh thần được đáp ứng và ngày càng nâng cao. Đó là nhà nước đề cao tính pháp chế, sự chính trực, tính minh bạch trong mọi hoạt động điều hành từ trung ương đến các địa phương bằng các biện pháp giám sát, điều chỉnh kịp thời, chặt chẽ. Đó là nhà nước mà các công chức, viên chức thấm nhuần trong nhận thức và hành động, tinh thần công bộc của dân, luôn lấy lợi ích và hạnh phúc của người dân là mục tiêu hành động của mình.
Một nhà nước như thế, dù là ở TP HCM hay Hà Nội, một tỉnh miền núi hay miền xuôi, ở cao nguyên hay vùng biển, đảo đều khiến cho người dân cảm thấy nơi mình ở thật đáng sống, đáng yêu và sẵn sàng gắn bó cuộc đời mình, sẵn sàng chung tay gìn giữ và xây dựng, phát triển bền vững.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 25-4
Bình luận (0)