Ngày 11-12, Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk cho biết năm 2022 xuất khẩu cà phê Đắk Lắk thắng lợi lớn khi các doanh nghiệp đã xuất khẩu 380.000 tấn, cao nhất từ trước đến nay. Kim ngạch xuất khẩu cà phê của tỉnh Đắk Lắk đạt 798 triệu USD, chiếm 53,2% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.
Cơ hội trong khó khăn
Theo Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk, toàn tỉnh có 8 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cà phê, trong đó có 4 doanh nghiệp địa phương, 3 doanh nghiệp FDI và 1 chi nhánh của doanh nghiệp TP HCM đặt tại tỉnh. Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk (thuộc Tỉnh ủy Đắk Lắk) tiếp tục là đơn vị dẫn đầu về xuất khẩu cà phê với 106.404 tấn, đạt kim ngạch gần 220 triệu USD. Cà phê Đắk Lắk xuất khẩu đến 64 thị trường, trong đó Nhật Bản tiếp tục là thị trường lớn nhất.
Giá xuất khẩu cà phê nhân bình quân của các doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk trong niên vụ cà phê 2021-2022 đạt 2.037 USD/tấn, tăng 363 USD/tấn so với niên vụ trước. Xuất khẩu cà phê của tỉnh Đắk Lắk chủ yếu là cà phê nhân và cà phê hòa tan.
Năm 2022, tỉnh Đắk Lắk xuất khẩu 380.000 tấn cà phê, kim ngạch 798 triệu USD, cao nhất từ trước đến nay
Ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk, cho biết dù dịch COVID-19 còn những diễn biến phức tạp trên thế giới nhưng việc xuất khẩu cà phê của tỉnh được duy trì ổn định, có sự tăng trưởng khá về sản lượng và kim ngạch xuất khẩu.
Ngoài ra, việc Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã tạo ra nhiều cơ hội hơn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh và xuất khẩu cà phê của tỉnh Đắk Lắk. Đặc biệt, sau khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) được ký kết đã nới lỏng việc kiểm soát cà phê chế biến.
"Nhiều doanh nghiệp của tỉnh Đắk Lắk nắm bắt cơ hội, đi sâu vào chế biến và sản xuất cà phê hòa tan, nâng cao sản lượng xuất khẩu cà phê chế biến. Bên cạnh đó, khoảng 3 tuần cuối tháng 8 và đầu tháng 9-2022, giá cà phê tăng vọt, có ngày đạt 50.200 đồng/kg cà phê nhân nên các doanh nghiệp tranh thủ bán ra, từ đó góp phần thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu cà phê tăng mạnh" - ông Dương nói.
Đại diện Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk cho biết trong năm 2022, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản, chủ yếu là cà phê, của đơn vị đạt 243 triệu USD (189,5% kế hoạch).
Tạo con đường ngắn nhất đến với người tiêu dùng
Ông Trần Đức Nhật, Phó Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột, cho biết thành phố đã xây dựng Đề án phát triển thương hiệu TP Buôn Ma Thuột trở thành "Thành phố cà phê của thế giới". Ngoài gìn giữ bản sắc đô thị, thành phố cũng đang xây dựng hình ảnh mới mẻ, đặc sắc cho đô thị để thu hút các nhà kinh doanh, nhân tài đến hợp tác, khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan.
Bên cạnh đó, công tác quy hoạch, sắp xếp, chỉnh trang đô thị sẽ được UBND thành phố chú trọng để nâng cao chất lượng dịch vụ hạ tầng, tăng tính hấp dẫn cho du lịch, là thành phố đáng sống, nơi quảng bá - giao thương buôn bán cà phê; quy hoạch các khu vực như quảng trường đô thị, sàn giao dịch cà phê, bảo tàng, các tuyến phố đi bộ với các cửa hàng cà phê, các không gian dành cho tổ chức sự kiện, Festival quốc tế Văn hóa cà phê và Văn hóa Tây Nguyên, kết hợp với các cuộc thi pha chế và thưởng thức.
Theo ông Trần Đức Nhật, thành phố cũng xây dựng nhà cộng đồng trong mỗi buôn, làng để du khách có thể tham quan, tìm hiểu về truyền thống văn hóa địa phương, tham gia hái, rang, xay thủ công và thưởng thức cà phê tại chỗ. Xây dựng chuỗi cửa hàng cà phê thương hiệu, liên quan đến mỗi vùng cà phê thổ nhưỡng để tạo con đường ngắn nhất từ người trồng đến người tiêu dùng. "Cà phê cần được chuyển tải vào kiến trúc, không gian cảnh quan, từng đường phố, ngõ ngách của đô thị trong chiến lược xây dựng "Thành phố cà phê của thế giới" - ông Nhật nhấn mạnh.
Còn theo ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk, để hiện thực hóa mục tiêu đưa Buôn Ma Thuột là "Thành phố cà phê của thế giới" còn rất nhiều việc phải làm. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cà phê tại địa phương phải tập trung vào sản phẩm chế biến sâu, nổi bật, để lại dấu ấn riêng. Phải có ngành công nghiệp về rang xay, chế biến những sản phẩm đặc trưng khác về cà phê như nước uống, trà, nước hoa hay thậm chí là mỹ phẩm... Phải làm sao để du khách khi nghĩ về cà phê là nhớ ngay tới Việt Nam, nhắc về Buôn Ma Thuột.
"Cộng đồng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cà phê phải tìm mọi cách để nâng cao giá trị, phát triển thêm nhiều sản phẩm chế biến sâu khác, làm du lịch từ hạt cà phê... vì dư địa là đã có sẵn, quan trọng là cách triển khai như thế nào để đạt được hiệu quả cao nhất" - ông Huy nói.
Thâm nhập vào chuỗi cung ứng thế giới
Ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk, cho biết năm 2023 sẽ tiếp tục cập nhật thông tin thường xuyên để nắm bắt những thay đổi trong quy định kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu cũng như nhu cầu của các quốc gia về cà phê nhằm chuyển tải đến doanh nghiệp. Đồng thời, tích cực chuyển đổi số, xây dựng thương hiệu hàng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu, duy trì các thị trường xuất khẩu truyền thống và phát triển thêm các thị trường mới. Khuyến cáo các doanh nghiệp phát triển vùng nguyên liệu, nâng cao chất lượng cà phê để thâm nhập vào chuỗi cung ứng thế giới; chủ động xây dựng các biện pháp ứng phó với các tình huống gây ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng cũng như ách tắc trong vận tải hàng hóa.
Bình luận (0)