Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết thời gian tới, sẽ xây mới 10 cầu vượt sông Hồng nhằm kết nối giao thông thuận lợi, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Các chuyên gia, người dân thủ đô kỳ vọng việc này sẽ góp phần ổn định hạ tầng giao thông, thúc đẩy kinh tế, liên kết vùng phát triển.
Tính toán kỹ nguồn vốn
Trả lời cử tri mới đây, Bộ GTVT cho biết cầu Mễ Sở bắc qua sông Hồng kết nối huyện Thường Tín (Hà Nội) nối huyện Văn Giang (Hưng Yên) thuộc đường Vành đai 4, đã được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi làm cơ sở báo cáo Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
Trong quá trình lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Bộ GTVT chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu các phương án thiết kế khác nhau của cầu Mễ Sở trên cơ sở điều kiện tự nhiên, giá thành, công nghệ thi công, chi phí quản lý, bảo trì, cảnh quan khu vực xây dựng làm cơ sở lựa chọn phương án bảo đảm tính kinh tế, kỹ thuật, thẩm mỹ kiến trúc. Sau khi hoàn thành cầu Mễ Sở, Bộ GTVT sẽ nghiên cứu về tên gọi theo quy định tại điều 40 Luật Giao thông đường bộ 2008.
Về nghiên cứu thêm cầu dây văng vượt sông Hồng để giảm tải cầu Mễ Sở, Bộ GTVT cho biết theo quy hoạch phát triển GTVT Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 519/QĐ-TTg ngày 31-3-2016, ngoài cầu Mễ Sở, giai đoạn tới sẽ tiếp tục xây dựng 9 cầu vượt sông Hồng, gồm: Hồng Hà, Thăng Long mới, Tứ Liên, Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), Thượng Cát, Ngọc Hồi, Trần Hưng Đạo, Phú Xuyên, Vân Phúc.
Hà Nội đang chú trọng phát triển đồng bộ các vùng trong nội đô cũng như liên kết các tỉnh, TP trong vùng thủ đô
Mới đây, Hà Nội cũng đã công bố phương án kiến trúc cầu Tứ Liên và cầu Trần Hưng Đạo. Cầu Tứ Liên kết nối trực tiếp đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, đường Vành đai 3, khu vực đô thị của huyện Đông Anh với trung tâm TP.
Cầu Trần Hưng Đạo dài khoảng 5,5 km, gồm: Cầu, đường dẫn và nút giao hai đầu cầu; trong đó phần cầu vượt sông dài 2,4 km. Điểm đầu dự án tại ngã năm nút giao với đường Lê Thánh Tông - Trần Thánh Tông (quận Hoàn Kiếm và quận Hai Bà Trưng); điểm cuối sau khi vượt qua đường Nguyễn Văn Linh (Quốc lộ 5) sẽ kết nối với đường quy hoạch tại phường Việt Hưng (quận Long Biên). Về quy mô, cầu Trần Hưng Đạo rộng 31 m, 6 làn xe cơ giới và 2 dải đi bộ, tốc độ thiết kế 80 km/giờ.
Hà Nội thống nhất các nút giao thông 2 đầu cầu, các điểm kết nối đối với những tuyến đường hiện hữu và tuyến đường ven sông dự kiến, hạn chế giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, phương án kiến trúc cầu cần nghiên cứu phù hợp với cảnh quan, hình thức kiến trúc hai bên, bề rộng lòng sông, yêu cầu thoát lũ, thông thuyền để bảo đảm các yếu tố và kỹ thuật, mỹ thuật.
KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, cho biết 10 cầu dự kiến xây dựng thêm ở Hà Nội nói trên đều đã nằm trong quy hoạch từ lâu, song thời điểm xây dựng và bố trí nguồn vốn như thế nào cho hợp lý thì còn phải tính toán nhiều.
Không chỉ là giao thông
Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, cầu bắc qua sông Hồng đều nhằm giải quyết vấn đề giao thông, liên kết vùng để phát triển kinh tế. Các cầu như Long Biên, Chương Dương, Nhật Tân… đều đã giải quyết được các vấn đề liên kết vùng, khai phá tiềm năng quỹ đất, đời sống nhân dân ở các vùng ven Hà Nội.
"Những cầu này đều kết nối nguồn lực các vùng rất lớn, kết nối nội đô với các vùng khác, cũng chính nhờ các nguồn lực này mà Hà Nội thành lập được quận Long Biên. Tương tự, các cầu khác như Thăng Long, Nhật Tân… đều kết nối, liên thông các khu công nghiệp, khu chế xuất, các tỉnh thành ven Hà Nội. Tất cả đều có ý nghĩa là khai thác tiềm năng quỹ đất, nhân lực, vật lực, liên kết vùng thủ đô. Sắp tới, có những cầu mới sẽ tạo nên việc liên kết vùng tốt hơn. Từ đó các tỉnh, TP ven Hà Nội sẽ có điều kiện hơn để phát triển toàn diện" - ông Nghiêm nhận định.
Tuy nhiên, KTS Đào Ngọc Nghiêm cũng cho rằng dù xây thêm bao nhiêu cầu thì cũng phải lưu ý đến vấn đề không chỉ phục vụ mục đích giao thông, kinh tế mà còn phải hướng đến ý nghĩa văn hóa. Đây là bài học truyền thống không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước trên thế giới, mỗi cầu là một biểu tượng, nét văn hóa riêng, đặc trưng riêng.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cho rằng nhiều nước trên thế giới xây dựng nhiều cầu và các cây cầu đều trở thành các điểm du lịch, văn hóa. Vì vậy, ở Việt Nam cũng nên tính toán việc xây cầu ngoài vấn đề giải quyết giao thông, kinh tế thì còn phải có kế hoạch, quy hoạch nó thành điểm du lịch.
Sông Hồng làm trục cảnh quan trung tâm
Đại diện UBND TP Hà Nội cho biết đang xin ý kiến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) để trình Thủ tướng phê duyệt quy hoạch phân khu sông Hồng nhằm thu hút đầu tư, bảo đảm sinh kế cho 900.000 dân. Trước đây, Hà Nội đã thống nhất với Bộ NN-PTNT theo hướng quy hoạch đê sông Hồng kết hợp đường giao thông. Khi kết hợp giữa 2 chức năng này, đoạn sông Hồng qua nội thành từ cầu Thăng Long đến cầu Vĩnh Tuy sẽ giống như đô thị hai bên bờ sông Hàn (Hàn Quốc). Thẩm quyền quy hoạch thoát lũ hiện nay thuộc Bộ NN-PTNT. Do vậy, TP Hà Nội đề nghị bộ hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng phê duyệt.
Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, trong bối cảnh Hà Nội chủ yếu phát triển ở hữu ngạn (Nam sông Hồng), những năm trước thì tập trung phát triển ở khu vực phía Tây, hiện nay với tính chất là đô thị đặc biệt thì trong quy hoạch đã đặt ra vấn đề lấy sông Hồng làm trục cảnh quan trung tâm của TP. Như vậy, phải phát triển sông Hồng chảy giữa TP, các vùng đều phát triển đồng bộ.
Bình luận (0)