10 năm qua, hạ tầng giao thông thủ đô đã có sự phát triển nhanh chóng, nhiều cây cầu được xây mới, nhiều tuyến đường được mở rộng. Tuy vậy, ùn tắc giao thông vẫn xảy ra và có xu hướng ngày càng trầm trọng. Phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt vẫn là giải pháp cơ bản, căn cơ nhất để giảm ùn tắc hiệu quả.
Dù vậy, theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội, đến hết tháng 10-2022, các lực lượng tham gia vận tải công cộng (bao gồm xe buýt, tàu điện…) chỉ mới đáp ứng được khoảng 18% nhu cầu đi lại của người dân. Đây là con số khá khiêm tốn khi chỉ tiêu đặt ra cho năm 2022 khoảng 21%-23%.
Theo ông Hải, có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khiến xe buýt chưa hấp dẫn, từ tính hợp lý của mạng lưới, chất lượng phục vụ đến chất lượng công tác vận hành. Thực tế, chúng ta vẫn nghe những trường hợp lái xe ẩu, phương tiện xập xệ; đa số hành khách đều cho biết thời gian chuyến đi kéo dài, không đúng giờ. Tổng hòa của nhiều yếu tố khiến bức tranh vận tải hành khách công cộng chưa được đẹp, chưa hấp dẫn để người dân sẵn sàng từ bỏ xe máy, phương tiện cá nhân chuyển sang xe buýt.
Đối tượng sử dụng xe buýt hiện nay tập trung nhiều là học sinh, sinh viên vào giờ cao điểm. Cán bộ, công chức chưa tham gia nhiều do tính ổn định và bền vững của dịch vụ chưa cao. Thời gian chuyến đi không được xác định chắc chắn nên những người buộc phải đi đúng khung giờ cao điểm sẽ không lựa chọn xe buýt vì rủi ro nhiều về chậm giờ.
Ông Nguyễn Hoàng Hải cho rằng để thu hút người dân sử dụng xe buýt, phải khắc phục ngay các tồn tại, cải thiện điều kiện vận hành để xe buýt đi nhanh hơn, đúng giờ hơn. Đây là yếu tố rất quan trọng để hấp dẫn hành khách. Hiện có nhiều loại hình minh chứng cho việc này.
Đầu tiên là xe buýt nhanh (BRT), dù còn nhiều chỉ trích nhưng rõ ràng loại hình này đang hút khách. Nhanh hơn một chút, đúng giờ hơn một chút là người dân lựa chọn. Nhân viên công sở, văn phòng dọc hành lang BRT có nhiều người bỏ cả ôtô, chuyển sang đi BRT.
Tương tự, gần đây, tàu điện trên cao tuyến Cát Linh - Hà Đông cũng vậy. Lập tức có sự chuyển đổi rất lớn. Những người sống, làm việc dọc hành lang này đều lựa chọn tàu điện trên cao. Rõ ràng yếu tố thời gian chuyến đi rất quan trọng.
Bình luận (0)