Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM vừa cho tạm ngưng 2 tuyến xe buýt có trợ giá số 40 (Bến xe Miền Đông - Bến xe Ngã tư Ga) và 149 (Công viên 23-9 - Tân Phú - Bến xe An Sương). Trong đó, đơn vị đảm trách tuyến số 149 là HTX Vận tải liên tỉnh và Du lịch Việt Thắng; còn tuyến số 40 do HTX Vận tải Đông Nam đảm trách. Đây là 2 tuyến xe buýt có trợ giá và bắt đầu ngừng hoạt động từ đầu tháng 8 này.
"Chơi dao nên bị đứt tay"
Lý do phải tạm ngưng 2 tuyến xe buýt nêu trên, theo Sở GTVT TP, là do nhu cầu đi lại ít, vắng khách nên không đủ khả năng duy trì. Với lại, trước đó, đơn vị đảm trách tuyến 149 cũng đã gửi văn bản báo cáo về tình hình khai thác thấp, không đủ khả năng hoạt động; còn đơn vị đảm trách tuyến số 40 cũng cho hay tuyến xe này vốn hoạt động không hiệu quả, đã từng ngưng hoạt động từ tháng 8-2017 tới ít nhất là tháng 3-2018.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông đô thị hay những người am hiểu về hoạt động của xe buýt ở TP thì còn một nguyên nhân nữa ẩn chứa đằng sau dẫn đến việc Sở GTVT "ra tay" cắt luôn 2 tuyến xe buýt trên. Đó là hàng loạt xã viên đã dùng "chiêu" bỏ chuyến để gây áp lực lên cơ quan quản lý. Cụ thể, thời gian qua xảy ra tình trạng nhiều xã viên của các HTX xe buýt ở các tuyến số 10, 40, 18, 43, 44, 54, 65, 78… thường xuyên bỏ chuyến. Trong đó, căng thẳng nhất là ngày 10 và 11-7, tuyến số 51 có tình trạng bỏ chuyến hàng loạt. Nguyên nhân do nhiều tuyến xe buýt bị nợ tiền trợ giá suốt nhiều tháng.
Tần suất hoạt động của xe buýt tại TP HCM liên tục tăng nhưng nhiều xe lại chỉ lèo tèo vài khách, gây lãng phí lớn cho ngân sách
Nhưng xem ra, tính toán của các xã viên đã bị phản tác dụng khi chuyện bỏ chuyến trên lại không gây ảnh hưởng bao nhiêu lên hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt ở TP nên bị "cắt" luôn. "Đúng là các HTX, xã viên xe buýt "chơi dao nên bị đứt tay". Việc tạm ngưng 2 tuyến buýt trên cũng là "bài học" cho các tuyến xe buýt khác nếu cứ bỏ chuyến để gây áp lực như thời gian qua" - một chuyên gia trong lĩnh vực giao thông đô thị bình luận.
Và để thể hiện rõ quyết tâm tạm ngừng 2 tuyến xe nêu trên, ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở GTVT TP HCM, yêu cầu các đơn vị phải theo dõi hoạt động của xe buýt thuộc đề án đầu tư mới phương tiện giai đoạn 2014-2017, bảo đảm việc hỗ trợ lãi vay theo đúng quy định. Đồng thời, Sở GTVT cũng yêu cầu phải kiểm soát chặt về kinh phí trợ giá, bảo đảm đúng quy định. Bên cạnh đó, Sở GTVT cũng yêu cầu các HTX đảm trách phải có trách nhiệm bố trí phương tiện hoạt động trên tuyến. Trường hợp không đưa xe trên tuyến vào hoạt động, những đơn vị này phải chịu trách nhiệm, hoàn trả lãi vay, vốn vay đã được hỗ trợ.
Không có cũng… chẳng sao
Theo ghi nhận, việc ngưng 2 tuyến xe buýt 40 và 149, trên thực tế lại không gây ảnh hưởng đến những hành khách thường xuyên đi trên 2 tuyến buýt này. Bằng chứng là nhìn vào bản đồ xe buýt TP, ai cũng dễ dàng nhận thấy có rất nhiều tuyến xe khác hoàn toàn có thể đảm trách thay cho 2 tuyến vừa tạm ngưng.
Cụ thể, với tuyến số 149, lộ trình đi trên các tuyến đường như Trương Định, Bà Huyện Thanh Quan, Trường Sa, Hoàng Sa…, hành khách có thể thay thế bằng các tuyến xe buýt khác như số 28, 30, 65... Tương tự, với tuyến số 40, việc tạm ngừng khai thác hoạt động cũng không ảnh hưởng nhiều bởi theo thống kê, số lượng hành khách trung bình mỗi ngày đi tuyến này chỉ khoảng 250 hành khách. Vì vậy, khi tuyến xe này bị đóng, người dân hoàn toàn có thể thay thế bằng các tuyến khác như tuyến số 3, 32, 59, 146, 36, 95...
"Ban đầu, chúng tôi có bất ngờ nhưng chỉ sau vài ngày là quen, chẳng thấy bất tiện gì cả. Đi trên những tuyến xe buýt thay thế dù có hơi đông một chút nhưng cũng chẳng sao. Bởi nhìn các xe buýt thuộc tuyến 40 lèo tèo vài khách mà thấy xót tiền nhà nước. Rõ ràng, xe buýt dư quá nhiều" - chị Hòa, một hành khách trước đây thường xuyên đi xe buýt tuyến 40, nói.
Theo thống kê, TP HCM hiện có 143 tuyến xe buýt, gồm 105 tuyến có trợ giá và 38 tuyến không trợ giá, với tổng số 2.478 phương tiện. So với năm 2002, xe buýt có trợ giá tăng thêm 60 tuyến và tỉ lệ tăng bình quân/năm đối với các loại hình có trợ giá đều nhanh. Cùng với sự gia tăng số đầu xe và luồng tuyến, tổng trợ giá từ ngân sách cho xe buýt cũng tăng vọt, từ 39,18 tỉ đồng năm 2002 lên khoảng 1.290 tỉ đồng năm 2012 và hiện vẫn đang giữ ở mức trung bình 1.000 tỉ đồng/năm. Việc trợ giá giúp duy trì giá vé xe buýt ở mức 5.000 đồng đến 6.000 đồng/lượt như hiện nay.
Bình luận về việc này, không ít chuyên gia cho rằng dù giá rẻ và tần suất hoạt động của xe buýt liên tục tăng nhưng nhiều xe chỉ lèo tèo vài khách đã gây lãng phí ngân sách do phải "cõng" chi phí duy trì. Đây là bài toán mà TP HCM cần phải giải để cơ quan quản lý cũng như các xã viên xe buýt "động não" chứ không thể mãi bấu víu vào ngân sách, đến khi hai bên căng thẳng thì lộ ra chuyện nhiều tuyến xe buýt có cũng như không là không ổn.
Sau buổi làm việc với HĐND TP HCM sáng 15-8, nhiều xã viên xe buýt cho biết các cơ quan quản lý "hứa" tới tháng 9-2018 sẽ có sự điều chỉnh, bổ sung tiền trợ giá xe buýt cho xã viên từ đầu năm tới nay.
Kỳ tới: Lỗi đâu chỉ ở xã viên
Bình luận (0)