Sau 3 ngày TP HCM cho chuyển hàng liên quận, giá các dịch vụ vận chuyển hàng hóa của các hãng xe công nghệ đã giảm so với trước, việc tìm tài xế dễ dàng hơn. Tuy nhiên, người dân vẫn mong muốn giá tiếp tục giảm, chia sẻ phần nào khó khăn trong thời gian giãn cách.
Tài xế giãi bày
Sáng 20-8, cần tiếp tế lương thực cho người quen gần nghĩa trang Bình Hưng Hòa, anh Phạm Văn Hiếu (ngụ xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn) vào app của hãng xe công nghệ Grab để đặt dịch vụ từ nhà đến đường Tân Kỳ Tân Quý (quận Bình Tân) thì được báo giá cước xe siêu tốc là 76.000 đồng. "Giá này đã giảm 48.000 đồng so với ngày 16-8 cùng hành trình di chuyển (124.000 đồng) mà tôi đã đặt" - anh Hiếu cho biết.
Tương tự, sáng 19-8, từ đường số 50, phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, chị Nguyễn Thị Diễm My đặt dịch vụ giao hàng siêu rẻ của hãng Ahamove, tối đa 2 giờ cho khách tại chợ Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn), giá cước là 131.000 đồng (21 km). So với trước đây, giá cước tăng 35.000 - 50.000 đồng.
Theo chị My, dù giá cao nhưng thấy hợp lý vì bán hàng online, thường xuyên tiếp xúc với shipper nên chị hiểu họ mất khá nhiều thời gian để qua các chốt, chưa kể nguy cơ nhiễm bệnh cao, nhiều khách hàng sống trong các khu phong tỏa, shipper phải đi đường vòng thêm vài km mới giao được. Hỗ trợ khách hàng, chị My thường bù tiền ship để họ cảm thấy thoải mái.
Tài xế hãng xe Grab giao hàng cho khách trưa 19-8. Ảnh: THU HỒNG
Sáng 19-8, từ đường Phan Văn Hớn, quận 12, chị Nguyễn Thu Bình đặt dịch vụ giao hàng siêu rẻ của Ahamove đến quận 1, giá cước là 90.000 đồng, tăng khoảng 35.000 đồng so với ngày thường. Theo chị Bình, trước đây, dịch vụ giao hàng siêu rẻ này rất tiết kiệm, hỗ trợ tốt cho người buôn bán hàng online, dưới 7 km chỉ 12.000 đồng. Dù giá cao nhưng đặt xe 2 giờ không ai nhận, đành chuyển sang ship nhanh.
Vừa hoàn thành cuốc xe trên đường Phan Văn Hớn, huyện Hóc Môn, anh T. - tài xế hãng xe Ahamove - nhấp vội ngụm nước giữa trưa nắng, cho biết khách hàng than phiền về giá cước tăng là đúng. Tuy nhiên, nhiều cuốc xe tài xế phải đi thêm vài cây số mới giao được hàng do quá nhiều tuyến đường bị rào lại. Chưa kể, tài xế ra đường trong thời gian này cũng rất mạo hiểm bởi nguy cơ nhiễm bệnh rất cao. Do sợ tài xế nghỉ chạy, hãng xe tăng giá cước chút đỉnh để khuyến khích.
Anh Hoàng Tân - một tài xế của hãng Grab - chia sẻ thêm hôm qua, anh chạy 1 cuốc từ quận 12 về huyện Hóc Môn chỉ 6 km nhưng phải mất 1 giờ vì phải đi lòng vòng do đến đâu cũng gặp hàng rào. Cuốc xe đó coi như lỗ. "Hãng Grab tăng giá cước để giữ chân tài xế bởi nhiều anh em sợ nhiễm bệnh đã tắt app, nghỉ chạy. Nói thật, giá tăng, anh em chúng tôi cũng kiếm thêm chút đỉnh vì Grab không lấy thêm tỉ lệ phần trăm, vẫn tỉ lệ 7-3 như trước nhưng vừa chạy vừa lo vì nguy cơ nhiễm bệnh rất cao" - anh Hoàng Tân bộc bạch.
Hãng xe công nghệ: Né tránh
Đại diện hãng xe Gojek giải thích giá cước được tính toán dựa trên cơ sở cân bằng cung - cầu trên thị trường tại từng thời điểm. Tuy nhiên, nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân trong giai đoạn khó khăn này, Gojek không tăng giá cước vận chuyển trong giai đoạn giãn cách xã hội.
Tại TP HCM, các đối tác tài xế giúp đáp ứng nhu cầu giao và nhận hàng hóa thiết yếu của người dân, bảo đảm cho các chuỗi cung ứng được vận hành hiệu quả hơn. Nền tảng GoFood đang phục vụ các đơn hàng mua nhu yếu phẩm tại hàng ngàn cửa hàng tiện lợi và siêu thị. Trong 2 tuần đầu tiên sau khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội, hệ thống Gojek ghi nhận mỗi ngày hàng chục ngàn đơn hàng được đặt trên nền tảng GoFood để mua tại hệ thống các cửa hàng và siêu thị này. Về dịch vụ vận chuyển, hệ thống Gojek cũng ghi nhận trung bình mỗi ngày có hàng chục ngàn đơn hàng, nhu cầu tăng 5-6 lần so với trước.
Trong thời gian giãn cách xã hội, các đối tác của Gojek phải nỗ lực nhiều hơn để duy trì hoạt động. Gojek ghi nhận thời gian hoàn tất một đơn hàng, đặc biệt là đơn hàng GoFood tại các siêu thị và cửa hàng tiện lợi, lâu hơn ngày thường, nhiều đơn hàng mất trên 1 giờ để hoàn tất vì tài xế cần phải tuân thủ quy định giãn cách và thực hiện khai báo y tế.
Theo đó, từ ngày 28-7, nhằm chia sẻ những khó khăn do đối tác bị ảnh hưởng thu nhập, Gojek hỗ trợ đối tác tài xế bằng cách cộng thêm trực tiếp vào mỗi đơn hàng 10.000 đồng đối với đơn GoFood và 5.000 đồng đối với đơn GoSend. Trước đó, ngày 9-7, Gojek đã thông báo cộng thêm 5.000 đồng với mỗi đơn hàng GoFood và GoSend, không phụ thuộc hiệu suất hoạt động.
Trong khi đó, đại diện Grab thì bày tỏ trân trọng nỗ lực của đối tác tài xế không ngại khó khăn chạy xe trên đường mỗi ngày để bảo đảm người dân ở nhà có đủ hàng hóa thiết yếu, lương thực - thực phẩm trong giai đoạn giãn cách. Do đó, Grab đã quyết định hỗ trợ phần thuế thu nhập cá nhân tăng thêm theo quy định Thông tư 40/TT-BTC/2021 của Bộ Tài chính cho toàn bộ đối tác tài xế trong giai đoạn từ ngày 18 đến 31-12 như một lời cảm ơn và chia sẻ khó khăn với đối tác tài xế.
"Chúng tôi cũng đang triển khai chương trình thưởng theo ngày và theo tuần để hỗ trợ đối tác, đồng thời có thêm nhiều chương trình ưu đãi cho người dùng để đối tác tài xế có thể có thêm đơn hàng, thêm cơ hội tăng thu nhập" - đại diện Grab nhấn mạnh.
Dù nói rất nhiều về các chính sách khuyến khích phục vụ của công ty nhưng đại diện các hãng xe công nghệ đến nay cũng không giải thích thuyết phục với khách hàng là tại sao giá cước tăng đột biến trong dịch Covid-19.
Tiêm vắc-xin cho tài xế
Đại diện hãng xe Grab cho biết để hỗ trợ đối tác tài xế tốt hơn trong giai đoạn dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp khắp cả nước, hãng xe này có chương trình hỗ trợ đối tác tài xế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; trao tặng 50.000 gói bảo hiểm PTI - Vững Tâm cho các đối tác tài xế cả nước; làm việc chặt chẽ với cơ quan chức năng để ngày càng nhiều đối tác tài xế Grab khắp cả nước được tiêm vắc-xin dựa trên kế hoạch tiêm vắc-xin cho nhóm đối tượng tài xế công nghệ, shipper của các cơ quan chức năng.
Ông HOÀNG CÔNG THỊNH, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Quê Nhà (TP HCM):
Tự đánh mất thương hiệu
Chúng tôi kinh doanh thực phẩm nên có cả bán lẻ và bán sỉ. Bán sỉ thì có xe tải của công ty giao hàng, còn bán lẻ thì chủ yếu giao hàng qua shipper. Đúng là trong giai đoạn khó khăn này, nhiều hãng đã tăng giá rất cao.
Chúng tôi hiểu ai cũng khó khăn trong lúc này, đặc biệt là tài xế, nên tăng giá để bù đắp thu nhập là việc bình thường. Nhưng hãy rõ ràng một vấn đề: việc tăng giá này là do chủ trương từ công ty nên phần lợi nhuận tăng thêm chưa chắc đến được tay tài xế. Nói rõ hơn, lợi nhuận lớn nhất rơi vào công ty, còn rủi ro lớn nhất rơi vào tài xế. Khách hàng gián tiếp bị ảnh hưởng và để giữ giá ổn định, công ty phải chịu một phần chi phí giao hàng.
Dịch bệnh rồi sẽ qua, những ai làm ăn không uy tín trước sau đều sẽ bị khách hàng lưu ý. Trong thời buổi cạnh tranh gay gắt này, uy tín giảm đồng nghĩa khách hàng giảm, lợi nhuận giảm. Chẳng ai muốn làm ăn với người bắt chẹt mình trong lúc khó khăn cả.
Ông ĐỖ THÀNH, một giáo viên THPT ở quận 4, TP HCM:
Lợi dụng hoàn cảnh khó khăn
Tôi thường xuyên nhận thực phẩm từ Tây Nguyên gửi xuống ở điểm tập kết gần chợ Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình, TP HCM). Chủ xe tự liên hệ với các tài xế công nghệ chuyển hàng, khách trả tiền.
Lúc trước, shipper chuyển một thùng hàng từ đây về quận 4 chỉ mất 100.000 đồng. Trong những đợt dịch vừa qua, cùng một chuyến xe giao hàng, tôi phải trả 300.000 đồng. Thậm chí, tài xế nói thẳng nếu không đồng ý thì đặt xe khác. Hàng thực phẩm đông lạnh làm sao để lâu được, đành phải chấp nhận. Hỏi người chạy xe ôm đầu ngõ, anh cho biết sẽ chở với giá 100.000 đồng. Cái khó là anh xe ôm không được lưu thông trong lúc này. Sau đợt dịch này, tôi sẽ không bao giờ đặt xe công nghệ chở hàng nữa. Nhờ anh xe ôm tốt hơn, rẻ hơn.
D.Khang ghi
Bình luận (0)