Gần 40 năm trước, ở các vùng nông thôn, xe máy cực hiếm, ôtô là thứ xa xỉ, và xe cứu thương chỉ các bệnh viện tuyến tỉnh mới có. Thế nên, mỗi khi ở đâu xe cứu thương về là người ta truyền tai nhau "có người chết", tức là xe chở bệnh nhân vừa qua đời từ bệnh viện tỉnh về nhà. Nhờ xe cứu thương mà cũng sợ xe cứu thương, là vậy.
... Sống giữa thành phố, nghe các loại còi xe ưu tiên mỗi ngày, mỗi lần nghe là cảm thấy bất an. Không 115 (cấp cứu) cũng 114 (chữa cháy), đều liên quan đến tai nạn, mất mát. Riết rồi quen, hiểu rõ bên cạnh sự bình yên và no ấm thì bệnh tật, chết chóc, cháy nổ... là những hiện tượng xã hội không thể né tránh, ai rồi cũng có thể gặp phải. Nếu nạn nhân là mình, chắc chắn bản thân phải nhờ đến 114 hoặc 115...
Rồi một ngày, 3 năm trước, hôm ấy là một tối áp Tết dương lịch, con trai tôi té xe đạp, bị nội thương. Bệnh viện huyện lo xa, tư vấn cho người nhà chuyển bệnh nhi lên tuyến trên. Giữa đêm mưa, đường tối mịt, xe xé gió lao đi. Tôi lần đầu ngồi xe cứu thương, đưa bệnh, mới thấu hiểu cảm giác căng thẳng của tài xế và tổ y tế. Họ phải chạy đua với thời gian để cứu bệnh nhân. Đêm cuối năm, người ta đổ ra đường đông, khoảng cách 35 km mà thấy xa thăm thẳm, tiếng còi xe trở thành trợ thủ mở đường đắc lực.
Tôi nhớ mãi tiếng còi xe ấy, vừa cảm kích vừa... không muốn nghe lại, tất nhiên. Mà đâu dễ như thế, nó đã là một phần của nhịp sống thành phố. Đến khi TP HCM bị đại dịch Covid-19 quét qua, mệt nhoài, thì tiếng còi lại hụ lên tất bật, hối hả, rền rã, liên hồi sáng - trưa - chiều - tối - khuya. Chỉ cần đếm tiếng còi xe 115 là biết được sức khỏe thành phố.
Những ngày này, khi số ca nhiễm Covid-19 ở TP HCM sắp chạm ngưỡng 30.000, số ca F0 không triệu chứng trở bệnh nặng nhanh và số ca tử vong tăng nhiều hơn trước, toàn bộ xe cứu thương khắp thành phố được huy động cũng không đủ, đành phải trưng dụng một số xe khách 16 chỗ, hoán cải phù hợp để tạm dùng. Tài xế xe cứu thương và các tổ y tế làm không dứt việc, khi thì chuyển vật tư, trang thiết bị y tế; lúc thì chuyển F0 vào các khu cách ly tập trung; rồi chuyển bệnh nhân nặng từ các bệnh viện dã chiến lên tuyến trên điều trị chuyên sâu; buồn nhất là chở những bệnh nhân Covid-19 không qua khỏi về nơi hỏa táng...
Tình trạng chung là trên mức quá tải, như Bệnh viện dã chiến số 1, thu dung đến 4.500 người mà chỉ có 2 xe cứu thương, 4 tài xế xoay tua chạy suốt ngày đêm không có thời gian nghỉ thở. Hay như Bệnh viện điều trị Covid-19 Cần Giờ, chỉ có 1 xe cứu thương, cách trung tâm thành phố tầm 70 km, thời gian chạy 2 giờ, tài xế vừa lái vừa cầu nguyện xe đừng bị sự cố, vì tuổi thọ xe đã hơn 10 năm! Mong mỏi lớn của bệnh viện này chỉ là có thêm một chiếc xe cứu thương nữa...
Đại đa số cơ sở y tế phục vụ cách ly, điều trị bệnh nhân Covid-19 hiện nay chỉ có 1-2 xe cứu thương, làm sao đáp ứng nổi !? Rất nhiều chuyến một xe phải chở 3-4 bệnh nhân nên không xử lý kịp...
Bỗng dưng thấy muốn được nghe nhiều tiếng còi xe 115 hơn, tức là mong thành phố sẽ sắm thêm phương tiện này, đủ để vận chuyển, cứu người.
Mỗi cá nhân, tùy khả năng của mình, hãy góp một tay cùng thành phố!
Bình luận (0)