Chiều 3-2, theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, tại đường Vành đai 3 trên cao, đoạn qua Khuất Duy Tiến (quận Thanh Xuân), hàng loạt xe khách vô tư đón trả khách. Cũng tại đây, nhiều xe ôm bất chấp nguy hiểm chạy ngược chiều đường dẫn lên Vành đai 3 để đón chở khách. Dù ở phía dưới có lực lượng công an đứng chốt nhưng không thấy xử lý. "Tình trạng này diễn ra thường xuyên, nhất là vào các dịp lễ, Tết. Nhiều xe khách ngang nhiên dừng đỗ giữa đường để trả khách, gây cản trở giao thông và tăng nguy cơ tai nạn" - một người bán nước gần khu vực nói.
Nhà xe đón trả khách tại đường Vành đai 3 trên cao
Trên đường Giải Phóng và khu vực trước Bến xe Nước Ngầm (quận Hoàng Mai), nhiều loại xe khách cũng ngang nhiên đón trả khách giữa đường gây ùn ứ giao thông. Thường xuyên có hàng trăm người dân đứng trước bến xe để đón xe khách, việc này diễn ra rầm rộ, không khác gì một bến cóc nhỏ song không có lực lượng chức năng nào xử lý.
Còn ở đường Trần Thủ Độ ngay sau Bến xe Nước Ngầm, có gần 5 chiếc xe khách Limousine của cùng một hãng đón trả khách rầm rộ. Tương tự, tại khu vực đường Giải Phóng, đường Kim Đồng quanh Bến xe Giáp Bát (quận Hoàng Mai), các xe khách trá hình ngang nhiên đón trả khách. Tại đây, xe khách, xe ôm tranh giành khách nên lúc nào cũng ồn ào, bát nháo.
Đáng chú ý, từ ngày 2-1, các tuyến xe khách của các tỉnh Nam Định, Nghệ An, Thái Bình, Thanh Hóa… đang hoạt động tại các bến xe Mỹ Đình, Gia Lâm, Yên Nghĩa, Sơn Tây, Trôi, Phùng sẽ chuyển về Bến xe Nước Ngầm. Tuy nhiên, hiện nay, khu vực quanh Bến xe Mỹ Đình vẫn xuất hiện nhiều xe dù chạy tuyến Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa vẫn vô tư dừng đỗ, đón trả khách. "Nhiều nhà xe không để bảng các tuyến khi đón trả khách ở đây vì sợ lực lượng chức năng phát hiện. Nếu muốn đi thì gọi điện để đặt vé qua điện thoại rồi nhà xe báo địa điểm, giờ giấc, đúng giờ cứ đến đó là sẽ có xe đến đón" - một sinh viên tên Nam (quê ở Nam Định) nói.
Về vấn đề này, ông Lê Xuân Tiến, Phó chánh Thanh tra Giao thông (TTGT) Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, thừa nhận vẫn còn tình trạng xe dù, bến cóc ở các khu vực ven bến xe trên địa bàn Hà Nội. Cụ thể hiện nay, Hà Nội có hàng trăm xe được cấp phép xe hợp đồng được hoán cải từ xe 16 chỗ còn 9 chỗ, có tên là Limousine. Do xe hợp đồng không được vận tải hành khách liên tỉnh theo tuyến cố định và không được vào bến xe nên hoạt động dựa vào bến cóc.
"Tuy nhiên, các nhà xe này thực hiện đúng theo quy định, có ký hợp đồng với khách nên lực lượng TTGT không thể xử lý lỗi "chạy xe dù". Ngoài ra, việc xe khách chạy tuyến liên tỉnh trả khách tại khu vực trên đường vành đai 3 diễn ra nhanh chóng nên rất khó xử lý" - ông Tiến phân trần và cho biết TTGT đã lên kế hoạch phối hợp với các lực lượng khác tổng kiểm tra, rà soát, xử lý, giải tỏa các tụ điểm xe dù, bến cóc.
"Tại các điểm đã giải tỏa, chúng tôi sẽ duy trì lực lượng chốt trực để chống tái phạm. Lực lượng chức năng cũng xác minh, làm rõ và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm do người dân phản ánh qua đường dây nóng" - ông Tiến nói.
Bình luận (0)