Ngày 20-3, Hạt Kiểm lâm TP Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) qua máy định vị, xác định có khoảng 7.740 m2 là diện tích đất rừng phòng hộ xung yếu thuộc tiểu khu 476 (xã Đại Lào, TP Bảo Lộc) bị Công ty TNHH Lâm Phần (Công ty Lâm Phần) tác động san ủi, lấn chiếm. Ngày 27-3, UBND TP Bảo Lộc đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng phối hợp kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản tại Công ty Lâm Phần.
Theo Hạt Kiểm lâm TP Bảo Lộc, Công ty Lâm Phần thực hiện không đúng giấy phép khai thác khoáng sản, có hiện tượng khai thác ngoài ranh mỏ, san ủi tầng phủ qua đất lâm nghiệp (quy hoạch là đất rừng phòng hộ xung yếu). Tuy nhiên, đến nay vụ việc vẫn chưa được xử lý khiến dân xã Đại Lào bức xúc vì hiện trạng đất rừng bị thay đổi gây sạt lở nguy hiểm cho rất nhiều hộ dân sống gần khu vực này.
Ông Phạm Công Hương, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Lào, cho biết trước đây vị trí đèo qua đoạn này thường xuyên sạt lở trong mùa mưa. Giờ Công ty Lâm Phần đổ thêm hàng ngàn tấn đất đá nên nguy cơ sạt lở càng uy hiếp đèo Bảo Lộc, rất nguy hiểm cho người dân và phương tiện tham gia giao thông.
Theo ông Bùi Gia Dương, Thanh tra Pháp chế Hạt Kiểm lâm TP Bảo Lộc, việc Công ty Lâm Phần tự ý san ủi, đổ đất đá lấn qua 7.740 m2 là sai phạm rất rõ. Tuy nhiên, khi đoàn kiểm tra làm việc, đại diện công ty không ký biên bản nên chưa thể xử lý. Hạt Kiểm lâm TP Bảo Lộc đã báo cáo UBND TP Bảo Lộc để có hướng xử lý.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tuân, Phó Giám đốc Công ty Lâm Phần, nói: "Đất của chúng tôi là do UBND tỉnh Lâm Đồng cấp phép thì phải do tỉnh kiểm tra. Các cơ quan khác không có quyền kiểm tra chúng tôi. Kể cả báo chí, không được chúng tôi cho phép cũng không được chụp hình, quay phim".
Được biết, Quyết định 946 của UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành ngày 21-4-2008 cho doanh nghiệp tư nhân Lâm Phần (nay là Công ty TNHH Lâm Phần) thuê đất khai thác đá vật liệu xây dựng với thời hạn khai thác 21 năm. Diện tích cho thuê là gần 10 ha.
Vụ "giám đốc bất lực, mặc rừng bị phá": Chỉ rút kinh nghiệm là chưa nghiêm túc
Liên quan vụ "Giám đốc bất lực, mặc rừng bị phá" mà Báo Người Lao Động ngày 11-4 phản ánh, ngày 12-4, Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết tiếp tục phát hiện trên 40 m3 gỗ vừa bị "lâm tặc" đốn tại lâm phần do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar (Công ty Ea Kar) quản lý.
Trước đó, công an phát hiện 2 điểm phá rừng tại lâm phần của Công ty Ea Kar. Tháng 5-2018, Công ty Ea Kar ký hợp đồng với ông Vi Văn Sính (ngụ huyện Ea Kar) thu gom gỗ gãy đổ. Lợi dụng chủ trương này cùng sự buông lỏng quản lý của chủ rừng, các đối tượng mở đường vào phá rừng phòng hộ. Sau đó, UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo tổ chức kiểm điểm, lãnh đạo Công ty Ea Kar chỉ nhận rút kinh nghiệm nhưng UBND tỉnh Đắk Lắk không đồng ý và chỉ đạo kiểm điểm lại. Ngày 25-2, cơ quan chức năng tiếp tục tổ chức họp, bỏ phiếu kín thống nhất đề xuất kỷ luật khiển trách đối với ông Phan Văn Đức, Phó Giám đốc Công ty Ea Kar. Ông Nguyễn Hồng Mạnh, Giám đốc Công ty Ea Kar, tự nhận hình thức kỷ luật khiển trách. Một cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết việc tự nhận hình thức khiển trách của ông Mạnh là chỉ tính riêng vụ khai thác rừng không đúng quy định, nên sở này sẽ kiến nghị xem xét thêm trách nhiệm vụ phá rừng mới đây để có hình thức kỷ luật phù hợp.
C.Nguyên
Bình luận (0)