UBND TP HCM đã có văn bản chỉ đạo Công an TP và UBND các quận - huyện tiếp tục xây dựng kế hoạch triển khai hằng năm để chấn chỉnh, xử lý tình trạng sử dụng xe đẩy tay, xe máy tự chế, xe cơ giới và xe thô sơ 3 bánh tự chế lưu thông trên đường. Thế nhưng, theo ghi nhận của chúng tôi, xe tự chế chở hàng hóa cồng kềnh vẫn đang tung hoành trong những ngày giáp Tết này.
Xanh mặt, rùng mình vì "máy chém"
Cả tháng qua, người đi đường và các hộ dân sinh sống gần ngã ba Phạm Văn Bạch - Trường Chinh (quận Tân Phú, TP HCM) vô cùng bức xúc với tình trạng xe ba gác tự chế đua nhau hoành hành, đe dọa đến sự an nguy của nhiều người. Khu vực này vốn tập trung nhiều cửa hàng sắt thép. Vào dịp cuối năm, người mua hàng liên tục nên số lượng xe ba gác tập trung về đây tăng đột biến.
Xe ba gác này chở thanh sắt dài gần chục mét, cố vượt đèn vàng trên đường Phạm Văn Đồng nhưng không kịp nên thắng lại, làm nhiều người phía sau phải né dạt Ảnh: GIA MINH
"Đáng sợ nhất là xe nào xe nấy cứ vô tư chở những thanh sắt dài quá khổ, chỉ cần va vào ai thì chỉ có nước trọng thương đến tử nạn" - chị Hòa, người thường xuyên đưa đón con đi học qua đoạn đường này, bức xúc.
Theo ghi nhận của chúng tôi, xe ba gác chở cồng kềnh như trên là tình trạng chung trên hầu hết các nẻo đường ở TP HCM. Nguyên nhân là do nhu cầu kinh doanh, sửa chữa, dọn dẹp nhà cửa tăng cao trong những ngày giáp Tết.
Sáng 28-1, hàng loạt người điều khiển phương tiện lưu thông trên đường Phạm Văn Đồng (đoạn gần ngã tư Linh Xuân, quận Thủ Đức) đã phải giật mình, né dạt để tránh các thanh sắt dài gần chục mét trên một chiếc xe ba gác tự chế. Những thanh sắt này sắc nhọn, dài quá thân xe nhưng không hề được che chắn. Chiếc ba gác cứ thế chạy vun vút giữa dòng xe đông đúc. Khi đến nút giao với đường Tô Ngọc Vân, người chạy xe ba gác cố vượt đèn vàng nhưng không kịp nên phanh gấp, làm những người chạy xe phía sau hốt hoảng phanh theo. Dù may mắn không va trúng các thanh sắt sắc nhọn ấy nhưng nhiều người không khỏi xanh mặt, rùng mình.
Trưa 29-1, tại khu chợ trên đường Nguyễn Xí (quận Bình Thạnh), dù đường hẹp, xe đông nhưng một chiếc ba gác chở tôn vẫn cố luồn lách, bóp còi inh ỏi để giành đường. Những tấm tôn trên chiếc xe này chỉ được ràng buộc sơ sài, nhô ra ngoài, rất dễ vướng vào tay lái của các xe máy xung quanh nhưng người điều khiển vẫn cố kèn cựa từng khoảng trống để lưu thông. "Nguy hiểm nhất là tại các khúc cua, bởi nếu không giữ khoảng cách đủ xa thì rất dễ bị những tấm tôn trên xe ba gác quẹt trúng. Khi ấy thì chắc chết" - chị Phương, một tiểu thương buôn bán tại khu chợ, lo sợ.
Lo lắng của chị Phương hoàn toàn có lý khi mà tại TP HCM từng xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm liên quan đến xe ba gác chở hàng cồng kềnh. Điển hình như ngày 20-11-2018, một xe ba gác chở khung sắt chạy trên đường Võ Trần Chí (quận Bình Tân) đã xảy ra va chạm với xe máy do một người đàn ông điều khiển khiến người này tử vong. Trước đó, vào tháng 5-2017, một xe ba gác chở tôn khi lưu thông qua ngã sáu Nguyễn Tri Phương (giáp ranh giữa quận 5 và 10) thì va trúng 2 xe máy khiến 2 người bị tôn cứa vào người, phải nhập viện cấp cứu.
Thiếu quyết liệt
Trước thực trạng trên, nhiều người đặt câu hỏi: Tại sao lãnh đạo TP HCM đã chỉ đạo, Luật Giao thông đường bộ đã quy định rõ xử phạt, chế tài việc sử dụng xe tự chế chở hàng cồng kềnh, nguy hiểm nhưng loại phương tiện này vẫn hoành hành?
Theo trung tá Nguyễn Văn Bình, Đội trưởng Đội Tham mưu - Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt, Công an TP HCM, việc xử lý xe thô sơ, 3-4 bánh tự chế là chuyên đề mà đơn vị thực hiện thường xuyên, liên tục. Tuy nhiên, việc xử lý triệt để tình trạng này gặp khó khăn bởi các loại xe thô sơ, 3-4 bánh tự chế có mức giá rẻ, dễ dàng lắp ráp, cải tạo và hiện có rất nhiều cơ sở độ chế.
Do đó, để giải quyết tình trạng trên, cần sự phối hợp của chính quyền các địa phương. Cụ thể là phải tích cực tuyên truyền cũng như tăng cường kiểm tra, xử lý các cơ sở độ chế, cải tạo loại xe này. "Lực lượng CSGT khi tuần tra, kiểm soát trên đường, nếu phát hiện các trường hợp vi phạm thì chúng tôi đều xử lý nghiêm" - ông Bình khẳng định.
Theo các chuyên gia giao thông, xe tự chế, 3-4 bánh có kích thước nhỏ, di chuyển thuận tiện ở các tuyến đường hẹp, mức giá lắp ráp và thuê vận chuyển khá rẻ… nên được nhiều người chọn. Một nguyên nhân nữa khiến xe tự chế chở quá khổ vẫn hoành hành dịp cận Tết là các biện pháp tuyên truyền vẫn chưa thực sự hiệu quả, đúng đối tượng để vận động người dân chấp hành. Công tác xử lý các phương tiện vi phạm cũng còn hạn chế bởi chỉ mang tính chất tạm thời, được một số kết quả sau những lần ra quân rồi lại tái diễn, không duy trì được như ban đầu.
Đề cập thực trạng trên, luật sư Võ Đan Mạch, Đoàn Luật sư TP HCM, cho rằng người dùng xe tự chế chở hàng quá khổ, cồng kềnh không ngán sợ là do việc xử lý còn lơ là. Ngoài ra, sau mỗi lần ra quân xử phạt, việc dùng xe tự chế chở hàng cồng kềnh có giảm nhưng sau đó lại như cũ, cho thấy chỉ làm theo phong trào, không cương quyết nên không thể dẹp được.
Có thể bị xử 2 tội danh
Nhiều năm tham gia xét xử và làm công tác quản lý, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, nguyên Phó chánh Tòa Hình sự TAND TP HCM, cho biết không ít lần bà chứng kiến cảnh đau lòng vì những vụ án chết người do xe thô sơ, xe cồng kềnh gây ra.
Theo bà Thủy, việc chở hàng cồng kềnh, nguy hiểm trên đường gây chết người có thể xử lý tội "Vô ý làm chết người". Ngoài ra, việc chở hàng hóa quá khổ bằng các xe thô sơ, xe tự chế cũng có thể xem xét tội danh "Cản trở giao thông" theo điều 203 Bộ Luật Hình sự.
Bình luận (0)