Ngày 10-9, phiên tòa xét xử 29 bị cáo trong vụ án "Giết người" và "Chống người thi hành công vụ" ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội tiếp tục phần tranh tụng.
Không thực nghiệm lại hiện trường
Đại diện VKSND TP Hà Nội khẳng định qua kết quả điều tra, truy tố và lời khai của các bị cáo tại phiên tòa, việc truy tố các bị cáo là đúng người, đúng tội. Khi luận tội, VKS cũng đã quyết định thay đổi tội danh truy tố đối với 19 bị cáo từ "Giết người" sang "Chống người thi hành công vụ" là thể hiện sự khoan dung và nhân đạo.
Trước đó, một số luật sư cho rằng cơ quan điều tra chưa thực nghiệm điều tra xác định 3 công an ngã xuống hố trong hoàn cảnh nào cũng như chưa làm rõ nguyên nhân tử vong của họ. Về việc này, đại diện VKSND TP Hà Nội cho biết khi xác định hành vi phạm tội, ngoài biên bản khám nghiệm hiện trường, cơ quan tố tụng còn căn cứ lời khai của các bị cáo và lời khai của nhiều công an tham gia làm nhiệm vụ tại thôn Hoành vào hôm xảy ra vụ án, sáng 9-1. Vì vậy "không cần thiết phải thực nghiệm hiện trường trong khi nguyên nhân đã rõ".
Trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng cũng làm rõ nguyên nhân tử vong của 3 công an, phù hợp với lời nhận tội của các bị cáo là đổ xăng xuống hố thiêu chết họ.
Về vấn đề các luật sư đưa ra là có hay không việc thân chủ bị ép cung, VKS khẳng định các lời khai được ghi âm, ghi hình. "Từ khi chưa có luật sư đến khi có luật sư, các bị cáo đều khai rõ, thừa nhận hành vi phạm tội của mình" - kiểm sát viên đối đáp và bác bỏ việc tại tòa một số bị cáo khi trả lời thẩm vấn của luật sư cho rằng bị ép cung.
Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: TTXVN
Mong có cơ hội sửa chữa
Sau khi kết thúc phần tranh tụng, HĐXX cho các bị cáo được nói lời sau cùng trước khi nghị án. Phần lớn các bị cáo nhận ra lỗi, gửi lời xin lỗi đến gia đình 3 cảnh sát hy sinh và xin HĐXX cho hưởng mức án khoan hồng để sớm trở về với gia đình...
"Dù có được trở về hay phải chết, bị cáo vẫn mong muốn các gia đình bị hại tha thứ cho bị cáo để lương tâm bị cáo được thanh thản" - bị cáo Lê Đình Chức (bị đề nghị mức án tử hình) bày tỏ và đề nghị HĐXX xem xét hoàn cảnh gia đình của mình khi lượng hình. Bố bị cáo (ông Lê Đình Kình - PV) đã mất trong sự việc rạng sáng 9-1 mà bị cáo chưa được thắp nén hương; con bị cáo còn nhỏ, bị cáo chưa được thấy mặt. "Bị cáo biết tội lỗi của bị cáo là khó tha thứ nhưng vẫn xin HĐXX xem xét để bị cáo có cơ hội thắp cho bố một nén hương, được nhìn mặt con!" - bị cáo Chức nói lời sau cùng.
Tương tự, bị cáo Lê Đình Doanh cho biết bản thân bị cắn rứt lương tâm rất nhiều khi nghĩ về con gái còn nhỏ của chiến sĩ công an đã hy sinh. Bị cáo xin HĐXX xem xét để bị cáo được hưởng lượng khoan hồng để sớm trở về với vợ con, là công dân có ích, bù đắp những nỗi đau cho gia đình bị hại.
Bị cáo Lê Đình Công - bị cáo buộc chủ mưu, cầm đầu vụ án và cũng bị đề nghị mức án tử hình - cho rằng trong vụ việc ngày 9-1, bản thân không bàn bạc, giao nhiệm vụ cho ai. Do đó, bị cáo đề nghị HĐXX cho mình được chuyển sang tội danh "Chống người thi hành công vụ".
Cũng đề nghị HĐXX xem xét, chuyển đổi tội danh từ "Giết người" sang "Chống người thi hành công vụ", bị cáo Nguyễn Quốc Tiến cho rằng bản thân không phải người chủ mưu, cầm đầu mà chỉ bị "Tổ đồng thuận" lôi kéo, kích động.
Bị cáo Bùi Viết Hiểu cho biết bản thân là thương binh, được thưởng 10 huân chương nhưng cuối đời lại mắc sai lầm lớn. Thừa nhận mọi hành vi sai phạm, bị cáo nói vợ mình bị bệnh nặng, không thể tự chăm sóc bản thân. Bản thân bị cáo đã cao tuổi, nhiều lần lên bàn mổ, sức khỏe rất yếu. Vì vậy, bị cáo mong được hưởng sự ưu ái nhất từ HĐXX.
Dự kiến, 15 giờ ngày 14-9, tòa tuyên án.
Trước đó, ở nhóm bị cáo bị truy tố tội "Giết người", VKS đề nghị TAND TP Hà Nội tuyên phạt tử hình bị cáo Lê Đình Công và Lê Đình Chức, chung thân với Lê Đình Doanh, cùng 16-18 năm tù đối với Bùi Viết Hiểu và Nguyễn Quốc Tiến, 14-16 năm tù với Nguyễn Văn Tuyển.
Với 23 người còn lại bị truy tố về tội "Chống người thi hành công vụ", VKS đề nghị hình phạt cao nhất 6-7 năm tù, thấp nhất 15-18 tháng tù - cho hưởng án treo.
Bình luận (0)