xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Xét xử vụ án xảy ra tại PVN và PVC: Các bị cáo khai làm theo chỉ đạo của cấp trên

Nguyễn Hưởng

Trong ngày xét xử đầu tiên, các bị cáo chủ chốt của vụ án khai phải làm theo chỉ đạo của cấp trên trong việc ký hợp đồng, chuyển tiền sai quy định

Ngày 8-1, TAND TP Hà Nội đã khai mạc phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị/Hội đồng Thành viên (HĐQT/HĐTV) Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) cùng 20 đồng phạm trong vụ án "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Tham ô tài sản xảy ra tại Tổng Công ty PVC".

Cứ ký hợp đồng để... có tiền

Ngay từ sáng sớm, an ninh được thắt chặt nghiêm ngặt tại khu vực trước cổng TAND TP Hà Nội và dọc các con đường lân cận. Phóng viên không được tiếp cận các bị cáo mà thông qua màn hình tivi.

Điều hành phiên tòa gồm thẩm phán - chủ tọa Nguyễn Ngọc Huân, thẩm phán Trương Việt Toàn và 3 hội thẩm nhân dân. Ngoài ra, TAND TP Hà Nội còn bố trí 1 thẩm phán và 2 hội thẩm nhân dân dự khuyết.

Ra trước tòa, bị cáo Đinh La Thăng mặc áo khoác blu-dông màu xanh, bên trong là áo len sẫm màu và sơ mi sáng màu, tình trạng sức khỏe tốt. Ở phần xét hỏi căn cước trong phần thủ tục mở đầu phiên tòa, ông Thăng bình tĩnh, nói rõ ràng.

Xét xử vụ án xảy ra tại PVN và PVC: Các bị cáo khai làm theo chỉ đạo của cấp trên - Ảnh 1.

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh đeo mắt kính màu trắng, mặc chiếc áo blu-dông màu xanh, trả lời rõ ràng. So với thời điểm ra đầu thú, bị cáo Trịnh Xuân Thanh có thần thái tốt hơn.

Bị HĐXX thẩm vấn đầu tiên, bị cáo Vũ Đức Thuận, nguyên Tổng Giám đốc PVC, thừa nhận Hợp đồng EPC số 33 tại dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 chưa đủ điều kiện như chưa có hồ sơ đề xuất, chưa có tổng dự toán, không đúng với trình tự thủ tục tổng thầu. Lý giải về hành vi ký Hợp đồng EPC số 33, Thuận khai: "Bị cáo ký vì muốn tạo công ăn việc làm cho người lao động thuộc PVC, thời gian đó, PVC khó khăn về tài chính. Việc ký hợp đồng sẽ có tiền để trả nợ ngân hàng và sử dụng vào một số mục đích khác".

Theo bị cáo Thuận, từ năm 2010, PVC khó khăn vì nhận lại một số dự án, đơn vị của PVN khi tái cấu trúc và các dự án, các đơn vị đó đang rất khó khăn về vốn, không hiệu quả nên làm cho tình hình tài chính của công ty khó khăn hơn, mất cân đối gần 1.000 tỉ đồng. "Do đó, cứ ký để có tiền rồi sẽ hoàn thiện điều kiện sau" - bị cáo Thuận thanh minh.

Về mặt năng lực chuyên môn, kinh nghiệm sản xuất xây dựng công trình thì tại thời điểm đó, PVC chưa đủ kinh nghiệm. Sau khi có hợp đồng, Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đức Thuận yêu cầu nhưng PVPower không tạm ứng theo đề nghị của PVC với tư cách là tổng thầu nên hợp đồng chuyển đổi chủ thể về trực tiếp cho PVN.

"PVC khó khăn tài chính, áp lực trả nợ ngân hàng cũng như góp vốn vào các đơn vị, chuyển tiền vào công trình, dự án khác nên mỗi lần tiền chuyển về PVC thì chi cho các mục đích này. Chỉ trực tiếp sử dụng khoảng 200 tỉ đồng chuyển cho các đơn vị thi công Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2" - bị cáo Vũ Đức Thuận khai và cho biết việc góp vốn vào đơn vị khác đều thông qua HĐQT và Trịnh Xuân Thanh có chỉ đạo trực tiếp.

Khi HĐXX hỏi "Đến nay bị cáo nhận thức gì về hành vi của mình?", bị cáo Thuận trả lời: "Bị cáo đã nhận thức được rõ hành vi chi tiền vào mục đích khác là sai".

Biết sai vẫn làm

Trả lời HĐXX, bị cáo Nguyễn Quốc Khánh, nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN, cho biết năm 2011, HĐTV của tập đoàn có Nghị quyết 1409 phê duyệt và ủy quyền cho PVPower lựa chọn nhà thầu, đàm phán ký kết hợp đồng do bị cáo Đinh La Thăng ký. Nhiệm vụ của bị cáo là đôn đốc để đẩy nhanh tiến độ ký kết các hợp đồng.

Theo bị cáo Khánh nhìn nhận, bản Hợp đồng số 33 rất sơ sài, không có điều khoản và phụ lục quy định về thanh toán, tạm ứng. ‘‘Hợp đồng không đủ cơ sở để thực hiện cũng như tạm ứng được’’ - bị cáo Khánh nói.

HĐXX đặt câu hỏi: ‘‘Vậy tại sao bị cáo lại ký kết hợp đồng?" Bị cáo Khánh cho biết sau khi Hợp đồng số 33 được ký, PVN thời điểm đó cũng đã nhìn nhận là thiếu căn cứ pháp lý và đã yêu cầu một số đơn vị nghiên cứu để rà soát, hoàn thiện các điều kiện còn lại. Tuy nhiên, sau đó có sự chuyển đổi pháp nhân chủ đầu tư thực hiện dự án nên việc này không được thực hiện mà thay bằng bản hợp đồng khác.

Khi tiếp tục bị HĐXX truy về việc bản Hợp đồng số 4194 vẫn chưa đủ căn cứ pháp lý nhưng vẫn được ký, bị cáo Nguyễn Quốc Khánh cho rằng mình là phó tổng giám đốc, chỉ là người giúp việc cho tổng giám đốc và thực hiện theo chỉ đạo của ông Đinh La Thăng và Phùng Đình Thực.

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN, bị cáo buộc biết rõ Hợp đồng EPC số 33 được ký trái quy định nhưng vẫn chỉ đạo Ban Quản lý dự án tạm ứng hơn 6,6 triệu USD và hơn 1.312 tỉ đồng cho PVC để Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng gần 1.116 tỉ đồng sai mục đích, không đưa vào dự án gây thiệt hại cho nhà nước số tiền hơn 119 tỉ đồng.

Khai trước tòa, Nguyễn Xuân Sơn cho biết trong các cuộc họp giao ban của HĐTV thì bị cáo Đinh La Thăng chỉ đạo tạm ứng. Bị cáo mới về PVN nhận nhiệm vụ trong năm 2011 nên toàn bộ quá trình chuẩn bị dự án, ký kết hợp đồng, chuyển đổi hợp đồng về tập đoàn thì bị cáo không được tham dự.

Nguyễn Xuân Sơn cho rằng bản thân không nhận thức được Hợp đồng 33 không đủ điều kiện thực hiện, mà chỉ nhận thức Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 là công trình trọng điểm, được các cơ quan, ban ngành thực hiện việc chuẩn bị khảo sát, thiết kế..., được phép chỉ định thầu nên khi chuyển đổi chủ thể về PVN để ký Hợp đồng 4194 thì bị cáo nghĩ đúng theo quy định nên không kiểm tra lại các yếu tố cấu thành Hợp đồng 33.

"Chỉ khi làm việc với kiểm sát viên cao cấp thì bị cáo mới biết điều kiện tiêu chuẩn của Hợp đồng 33 không đủ và mới nhận thức hợp đồng vi phạm và việc mình cấp tiền là có sai sót" - bị cáo Nguyễn Xuân Sơn khai.

Trước câu hỏi "theo bị cáo nhận thức thì hai hợp đồng có vấn đề không?," bị cáo Nguyễn Xuân Sơn trả lời: "Bị cáo thực hiện tạm ứng không nhận thấy có vấn đề, nhưng khi làm việc với cơ quan điều tra, kiểm sát viên thì mới thấy vi phạm quy định pháp luật. Bị cáo nằm trong "dây chuyền" đó thì có vi phạm nhất định".

Cách ly ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh

Trước khi VKS công bố cáo trạng xét xử 22 cựu lãnh đạo, cán bộ PVN, luật sư Nguyễn Văn Chiến (một trong 6 luật sư bảo vệ bị cáo Nguyễn Quốc Khánh) nêu quan điểm cho rằng đây là vụ án lớn, phức tạp có nhiều lời khai đối lập. Luật sư Chiến đề nghị tòa cách ly các bị cáo và nhân chứng có lời khai đối lập khi xét hỏi. "Vụ án điều tra nhanh, còn nhiều tài liệu chứng cứ phát sinh chưa được nghiên cứu nên chúng tôi đề nghị được tạo điều kiện tiếp cận bị cáo trong những lúc HĐXX không làm việc" - luật sư Chiến nêu.

4-chot

Trịnh Xuân Thanh và các bị cáo trong phiên xử ngày 8-1

Ảnh: NGUYỄN HƯỞNG

Luật sư Đinh Anh Tuấn, bào chữa cho bị cáo Phùng Đình Thực - nguyên Tổng Giám đốc PVN - cho biết đã thu thập thêm được một số chứng cứ mới có giá trị gỡ tội cho bị cáo. Tuy nhiên, do chưa kịp giao nộp cho thẩm phán chủ tọa phiên tòa trong giai đoạn chuẩn bị phiên xét xử nên luật sư đề nghị chủ tọa hướng dẫn để giao nộp ngay tại tòa. Luật sư Anh Tuấn đề nghị tòa triệu tập thêm người làm chứng đến phiên tòa để làm rõ chứng cứ có giá trị gỡ tội cho bị cáo Phùng Đình Thực là ông Hồ Công Kỳ, nguyên Chánh Văn phòng PVN thời kỳ 2010-2011.

Về việc này, đại diện VKSND cho biết do phiên tòa kéo dài nên có thể triệu tập thêm người làm chứng. Bước vào phần xét hỏi, HĐXX cũng cho ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh tách riêng khỏi phòng xét xử.

Chỉ đạo của cấp trên là mệnh lệnh!

Khi HĐXX hỏi có suy nghĩ gì về chỉ đạo của ông Đinh La Thăng thì bị cáo Nguyễn Xuân Sơn cho biết: ‘‘Trong các đơn vị kinh doanh thì người đứng đầu bao giờ cũng có vai trò quyết định. Đã quyết rồi là làm chứ không có chuyện tính đi tính lại’’.

Cũng theo bị cáo Sơn, người đứng đầu có yếu tố quyết định công việc, quyết là làm nên chỉ đạo của ông Đinh La Thăng là mệnh lệnh phải thực hiện và do "bị cáo không biết hợp đồng 33 vi phạm nên vô tình thực hiện".

Dễ dàng tạm ứng hàng ngàn tỉ đồng

Theo cáo trạng, trong quá trình thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, ông Đinh La Thăng là Chủ tịch HĐTV PVN có vai trò chính trong việc đề ra chủ trương và chỉ định PVC thực hiện gói thầu EPC; chỉ đạo PVPower ký Hợp đồng EPC số 33 với PVC trái quy định.

Sau đó, ông Đinh La Thăng chỉ đạo cấp dưới căn cứ hợp đồng này tạm ứng hơn 6,6 triệu USD và hơn 1.312 tỉ đồng cho PVC để các bị can tại PVC sử dụng hơn 1.115 tỉ đồng sai mục đích, trái quy định, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 119 tỉ đồng.

Đối với Trịnh Xuân Thanh, trong quá trình thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đã chỉ đạo Vũ Đức Thuận ký Hợp đồng số 33 trái quy định để PVC được nhận tạm ứng hơn 6,6 triệu USD và hơn 1.312 tỉ đồng; chỉ đạo việc sử dụng hơn 1.115 tỉ đồng trong số tiền tạm ứng vào mục đích khác, không đưa vào dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 119 tỉ đồng.

Ngoài ra, Trịnh Xuân Thanh còn đề ra chủ trương cùng Vũ Đức Thuận chỉ đạo Nguyễn Anh Minh, nguyên Phó Tổng Giám đốc PVC và Lương Văn Hòa, nguyên Giám đốc Ban Điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch thuộc PVC, lập khống hồ sơ rút hơn 13 tỉ đồng từ Ban Điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch để chia nhau sử dụng cá nhân. Trong đó, ông Thanh được chia 4 tỉ đồng.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo