Từ tháng 3-2019, các cơ sở y tế bắt đầu triển khai sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử thay cho bệnh án, sổ khám bệnh. Mỗi người dân sẽ có một hồ sơ sức khỏe điện tử lưu trữ suốt đời và liên thông ở tất cả tuyến y tế.
Thôi xếp hàng mua sổ
Lần đầu tiên cầm thẻ từ trên tay thay vì cuốn sổ khám bệnh, bà Hoàng Thị Vân (70 tuổi; ngụ quận Long Biên, TP Hà Nội) có chút bỡ ngỡ. Sau ít phút được nhân viên y tế hướng dẫn, bà Vân đã tự đặt thẻ vào máy đăng ký khám tự động tại khu vực làm thủ tục nhập viện của Bệnh viện (BV) Đa khoa Đức Giang.
Chỉ với vài thao tác, bà Vân đã biết thông tin về số phòng khám, số thứ tự hiển thị trên màn hình. "So với cầm sổ và xếp hàng thì thẻ này hiện đại và nhanh hơn rất nhiều. Với người trẻ có lẽ không sao nhưng người lớn tuổi, mắt kém chắc chắn phải cần nhân viên hướng dẫn mới nhanh chóng nhập được các thông tin" - bà Vân nói.
Chăm sóc người nhà đang điều trị nội trú tại đây, chị Trần Vân Quyên cho hay khám cho bệnh nhân xong, bác sĩ (BS) sẽ cập nhật tình trạng sức khỏe, những yêu cầu đối với bệnh nhân lên máy tính bảng, rồi in thông tin để phổ biến cho bệnh nhân nên cách làm này rất thuận tiện.
Theo BS Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc BV Đa khoa Đức Giang, cách đây 5 năm, BV bắt đầu triển khai quản lý hồ sơ bệnh án điện tử và ứng dụng thẻ từ thông minh. Từ tháng 12-2018 đến nay, phần mềm này được triển khai thí điểm ở một số khoa điều trị nội trú và khu khám bệnh theo yêu cầu. Khi khám và điều trị cho bệnh nhân, BS dùng máy tính bảng để cập nhật tình trạng bệnh nhân và chỉ định thay vì dùng bút ghi giấy như trước.
Hiện trung bình mỗi ngày, BV tiếp nhận khoảng 1.200 lượt người đến khám chữa bệnh. Việc ứng dụng thẻ từ thông minh giúp giảm thời gian chờ đợi cho một bệnh nhân đăng ký khám bệnh trung bình từ 30 phút chỉ còn 5-10 giây. Ngoài ra, việc thí điểm ứng dụng nhận diện vân tay để quản lý tốt hồ sơ bệnh án sẽ kiểm soát việc lạm dụng BHYT. Những bệnh nhân từng đến khám tại BV, sau khi quét vân tay thì hệ thống sẽ hiển thị các thông tin cá nhân, lịch sử khám chữa bệnh và hỗ trợ đăng ký khám. Đến nay, BV đã cấp 15.000 thẻ từ thông minh cho người dân.
Bệnh viện sẽ không còn vất vả quản lý sổ khám bệnh khi áp dụng thẻ thông minh, bệnh án điện tử Ảnh: HẢI ANH
BS Vũ Quỳnh Nga, Phó Giám đốc BV Tim Hà Nội, nhận định việc triển khai bệnh án điện tử tiết kiệm đáng kể thời gian của người bệnh cũng như của y - BS. Các BS gần như có toàn bộ bệnh án của bệnh nhân chỉ sau vài phút thao tác trên máy vi tính, thậm chí bệnh nhân kháng thuốc gì, tiền sử bệnh ra sao... đều được hệ thống cảnh báo.
Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc BV Bạch Mai (Hà Nội), khẳng định bệnh án điện tử không chỉ giảm các lưu giữ chi phí về giấy tờ, mực in, kho lưu mà còn triển khai được bệnh án điện tử toàn diện, cập nhật các thông tin của người bệnh trong quá trình khám sức khỏe. Ngay cả đơn thuốc cũng được thể hiện trên bảng điện tử nên không còn có tình huống nhầm lẫn thuốc, liều lượng... do đọc sai chữ BS.
Thiếu tiền đầu tư
Theo ông Dương Đức Hùng, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp BV Bạch Mai, thực hiện bệnh án điện tử không phải nói là làm được ngay mà phải đầu tư nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin.
Khi điện tử hóa thủ tục, giấy tờ, có nhiều vấn đề phải tính đến như việc lưu hồ sơ bệnh án phải bảo đảm hệ số an toàn ra sao; trường hợp mất mạng internet hay hỏng mất dữ liệu thì phải xử lý như thế nào, đặc biệt là những yêu cầu về bí mật thông tin cho bệnh nhân.
"Bộ Y tế đưa ra lộ trình thực hiện, giai đoạn 1 từ năm 2019-2023, các cơ sở y tế hạng 1 sẽ nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin để áp dụng quy định về bệnh án điện tử. Các cơ sở y tế khác tùy thuộc khả năng, năng lực thực tế để chuẩn bị điều kiện triển khai. Do đó, chủ trương đưa ra từ ngày 1-3, các BV vẫn phải thực hiện nhưng hiện BS vẫn làm bệnh án giấy, phải triển khai từng phần một, phải làm từng bước và từng công đoạn" - ông Hùng nói.
Một trong những khó khăn khác khi triển khai bệnh án điện tử ở một số BV hạng 1 là kinh phí. Đại diện một BV cho biết mới triển khai mạng LAN trong công tác khám chữa bệnh. Để triển khai bệnh án điện tử, phải thực hiện đồng bộ hóa, xây dựng kế hoạch để xin kinh phí đầu tư phần mềm quản lý dữ liệu, đào tạo nguồn nhân lực... Do đó, một số BV mới dừng ở việc sử dụng máy tính trong công tác khám chữa bệnh bởi việc đầu tư, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng, tập huấn cho cán bộ y tế... cần phải có kinh phí và thời gian. Đại diện Viện Huyết học và Truyền máu trung ương cho biết BV vẫn đang sử dụng bệnh án giấy là chính và chưa áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử.
Bảo mật thông tin
PGS-TS Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin - Bộ Y tế, cho biết để mô hình này được triển khai thuận lợi thì ngành y tế còn nhiều việc phải làm.
Ngành y tế đang xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật để kết nối giữa các phần mềm bệnh án điện tử, hồ sơ sức khỏe điện tử, phần mềm quản lý trạm y tế xã, phường, thị trấn và phần mềm ứng dụng ở các BV với nhau. Các phần mềm này phải thống nhất, tránh tình trạng "mỗi nơi một kiểu" và việc chia sẻ liên kết phải bảo đảm nguyên tắc bảo mật, an toàn thông tin của người bệnh, cơ sở khám bệnh và BV.
Bình luận (0)