Ngày 1-10, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9-2018, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ rõ có độc quyền sách giáo khoa (SGK) của Nhà Xuất bản Giáo dục (NXBGD) và tình trạng này đã được phân tích khi xây dựng Đề án đổi mới chương trình, SGK. Theo đó, tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng là phải xóa độc quyền.
Cần quyết liệt xử lý vi phạm
Trả lời báo chí tại cuộc họp báo thường kỳ vào chiều cùng ngày, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), cho biết theo quy định hiện hành, NXBGD là đơn vị duy nhất được giao xuất bản SGK. Tuy nhiên, từ cuối năm 2017 đến nay, Bộ GD-ĐT đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) cấp phép thêm 5 NXB được tham gia xuất bản SGK và sẽ tiếp tục xem xét mở rộng cấp phép nên độc quyền in ấn, việc phát hành SGK của NXBGD sẽ được xóa bỏ. Bên cạnh đó, việc thực hiện 1 chương trình nhiều bộ SGK, những lo ngại về độc quyền sẽ không còn.
Cũng theo ông Độ, thời gian qua, NXBGD đã tổ chức và đấu thầu in ấn tại 4 khu vực trên cả nước để tạo thuận lợi trong công tác vận chuyển, phát hành. Về tỉ lệ chiết khấu SGK của NXBGD, ông Độ cho biết theo báo cáo từ NXB thì mức chiết khấu thực tế 18%-20% nhằm phục vụ vận chuyển, phát hành SGK đến tận tay học sinh. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cũng đưa ra mức so sánh tỉ lệ chiết khấu của SGK thấp hơn mức 35%-40% của sách tham khảo hiện nay.
Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, trả lời báo chí tại cuộc họp báo chiều 1-10 Ảnh: NHẬT BẮC
Không chỉ có độc quyền SGK, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam còn chỉ ra tình trạng nhiều trường bằng cách này hay cách khác "ép" học sinh, phụ huynh mua sách tham khảo để hưởng hoa hồng. Ông Đam nhấn mạnh đây là một trong những biểu hiện rõ của tiêu cực trong giáo dục, mặc dù Bộ GD-ĐT đã có nhiều văn bản chỉ đạo nhằm chấn chỉnh tình trạng này nhưng chưa có chuyển biến rõ rệt. Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT cần chỉ đạo quyết liệt hơn, xử lý nghiêm các vi phạm.
Nói thêm về tình trạng độc quyền SGK, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chỉ rõ dư luận nghi ngờ có lợi ích nhóm trong việc in SGK. Bộ trưởng Dũng cho biết tại phiên họp Chính phủ cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ báo cáo giải trình và có giải pháp khắc phục ngay liên quan đến vấn đề người dân, xã hội đang quan tâm. Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo ngành phải chỉ đạo để việc in ấn, xuất bản SGK phải minh bạch công khai, làm tốt công tác xã hội hóa, chống độc quyền, lợi ích nhóm trong hoạt động này.
Xử lý nghiêm vụ "bảo kê" chợ Long Biên
Tình trạng "bảo kê" tại chợ Long Biên (quận Ba Đình, Hà Nội) cũng làm "nóng" phiên họp trước nghi vấn có sự bao che, đỡ đầu của cơ quan quản lý, lực lượng công an trong nhiều năm. Khẳng định sẽ xử lý nghiêm vụ việc, ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết bất kỳ cán bộ nào, đơn vị nào bảo kê tại chợ Long Biên đều bị xử lý nghiêm, không có vùng cấm. Lãnh đạo TP Hà Nội cũng đã giao trách nhiệm cho các UBND, công an các phường và ban quản lý các chợ bảo đảm hoạt động, tạo điều kiện cho các tiểu thương kinh doanh buôn bán để không xảy ra các vụ việc tương tự chợ Long Biên.
Liên quan đến vụ việc này, Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an, cho rằng nếu có những việc như báo chí phản ánh tại chợ Long Biên thì không thể chấp nhận được. "Trước hết, nếu cơ quan báo chí có thông tin thì đề nghị cung cấp cho cơ quan công an. Hiện Công an TP Hà Nội đang tích cực vào cuộc điều tra làm rõ, hiện nay đã khởi tố vụ án" - Trung tướng Sơn cho hay.
Thứ trưởng Bộ Công an cũng thừa nhận cơ quan công an có ghi nhận thông tin về việc các phóng viên, nhà báo bị hăm dọa sau vụ việc này, Bộ Công an đang phối hợp với Công an TP Hà Nội làm rõ.
Liên quan đến tình trạng các băng nhóm tại quận Hải An (TP Hải Phòng) tranh giành, chiếm đất quốc phòng để chia lô bán nền trái phép mà Báo Người Lao Động vừa phản ánh, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết đến thời điểm hiện tại, Văn phòng Chính phủ chưa nhận được bất kỳ văn bản liên quan nào của Bộ Quốc phòng, UBND TP Hải Phòng. Ông Dũng khẳng định về nguyên tắc; đất đai thuộc trách nhiệm quản lý của nhà nước; đất quốc phòng là đất nhà nước giao cho Bộ Quốc phòng quản lý, sử dụng, phục vụ công tác bảo vệ và phát triển đất nước. "Bất cứ tổ chức nào lấn chiếm đất quốc phòng đều là vi phạm pháp luật" - bộ trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông cho biết bộ đang tiếp tục lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương về 2 phương án xử lý BOT Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang). Theo ông Đông, Bộ GTVT đã có nhiều cuộc làm việc với UBND tỉnh Tiền Giang về BOT Cai Lậy, địa phương này nghiêng về phương án đặt thêm một trạm thu phí trên tuyến Quốc lộ 1, thực hiện thu phí song song cả tuyến đường tránh và Quốc lộ 1 để bảo đảm công bằng. Tuyến đường nào hoàn vốn thì dỡ bỏ trạm thu phí đó.
Ông Nguyễn Ngọc Đông khẳng định BOT là một kênh thu hút đầu tư, xác định nguyên tắc là phải thu phí hoàn vốn, còn phương án thu ra sao phải xem xét. "Chúng tôi đang tiếp tục hoàn thiện phương án, so sánh, đánh giá tác động. Đối với việc ùn tắc, mất trật tự tại trạm BOT, theo chỉ đạo chung của Chính phủ, tất cả các trạm thu phí trên cả nước đều phải bảo đảm an ninh, trật tự. Bộ GTVT sẽ phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền để bảo đảm thu phí đúng quy định" - thứ trưởng Bộ GTVT khẳng định.
Bộ Công Thương tiếp tục "nợ" kết luận
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết việc rà soát, đánh giá lại việc chấp hành pháp luật về hoạt động công vụ của lực lượng quản lý thị trường khi kiểm tra Công ty CP Con Cưng đã đi đến những bước cuối cùng, bộ sẽ công bố trong thời gian sớm nhất. Trước đó, tại cuộc họp báo chính phủ thường kỳ tháng 8-2018, ông Đỗ Thắng Hải cho biết vụ việc này sẽ được công bố vào cuối tháng 8 nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Lý giải về sự chậm trễ này, ông Hải cho biết đây là vụ việc cần xem xét nghiêm túc, thận trọng, đúng pháp luật.
Bình luận (0)