Tuần qua, Công an TP HCM thông tin vừa khởi tố một nhóm người Malaysia để điều tra về tội "Tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép". Những bị can này, theo công an, đã dụ dỗ 30 người Indonesia sang Việt Nam rồi gọi điện ngược về Indonesia nhằm lừa đảo chính đồng hương thông qua việc giả danh cảnh sát, công tố viên… để dọa dẫm, ép chuyển tiền.
Những người này được xác định dụ dỗ 30 công dân Indonesia sang Việt Nam hoạt động lừa đảo
Nửa cuối năm ngoái, cơ quan chức năng hai nước Việt Nam, Campuchia đã giải cứu hàng ngàn người Việt bị cưỡng bức lao động, trong đó có việc ép lên mạng tương tác và lừa đảo những công dân Việt Nam trong nước.
Liên kết 2 sự việc trên, không thể không liên tưởng tới việc tội phạm công nghệ cao hiện nay chọn cách ở nước ngoài thực hiện hành vi phạm tội trên chính đất nước mình. Từ đó, mạng lưới "tội phạm chéo" được hình thành, sang nước B để gây án tại nước A với mưu toan trốn tránh sự trừng phạt.
Nếu đó là cách thức mà những kẻ đầu sỏ yên tâm "được ăn cả, lừa đảo thất bại cũng không sao" thì cơ quan chức năng cũng cần thực hiện hiệu quả các biện pháp "phá án chéo", bằng việc phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng tư pháp các nước với nhau.
Ngoài ra, bên cạnh việc tăng cường truyền thông về những mánh khóe lừa đảo, các ngân hàng cũng nên tính tới phương án chậm một nhịp giao dịch chuyển khoản đối với những lệnh gửi tiền nghi vấn. Ví dụ, chủ tài khoản bất ngờ chuyển một lượng tiền lớn trong khi trước nay rất ít giao dịch…
Tin rằng, với các biện pháp đồng bộ trên, hình thức "tội phạm chéo" sẽ hết đất hoành hành.
Bình luận (0)