Nhiều tài khoản trên mạng xã hội bày tỏ sự băn khoăn về việc lấy ý kiến của trẻ em vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vì đây là vấn đề khó, ngay cả người lớn cũng nhiều người không có kiến thức về lĩnh vực này. Không ít người bày tỏ hội nghị này là một sự kiện "hài hước".
Hội nghị lấy ý kiến tham gia của trẻ em vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gây xôn xao dư luận
Lý giải việc tổ chức hội nghị này, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Hà Đình Bốn cho hay Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có nội dung liên quan đến nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội đó là trẻ em. Nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho trẻ em đóng góp ý kiến của mình vào việc xây dựng các quy định về đất đai, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tổ chức lấy ý kiến trẻ em về một số nội dung liên quan. Những ý kiến của các em sẽ được tổng hợp và gửi Ban soạn thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Tại hội nghị, các học sinh đã được tìm hiểu về các quy định về đất đai. Cụ thể, khi nhà nước thu hồi đất cần đảm bảo những điều kiện thế nào cho trẻ em; các đối tượng nào cần được hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất; nếu em là người được đứng tên trên sổ đỏ, em có đồng ý để bố và mẹ hoặc người giám hộ cùng đứng tên trên sổ đỏ để giúp em trong quá trình mua bán các tài sản này hay không; khi xây dựng chính sách pháp luật về đất đai có liên quan đến trẻ em và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có liên quan tới trẻ em, các cơ quan nhà nước có cần các em tham gia ý kiến hay không...
Bà Đinh Thị Phương Anh, Hiệu trưởng trường THCS Lương Yên, cho rằng hội nghị lấy ý kiến tham gia của trẻ em vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) rất hữu ích cho cả học sinh và giáo viên nhà trường
Bà Đinh Thị Phương Anh, Hiệu trưởng trường THCS Lương Yên, cho rằng hội nghị lấy ý kiến tham gia của trẻ em vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) rất hữu ích cho cả học sinh và giáo viên nhà trường. Các giáo viên, học sinh được hiểu biết thêm về pháp luật đất đai.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định các khoản hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất, trong đó có "Hỗ trợ cho trẻ em chưa đến tuổi lao động".
Theo luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, Chi hội phó Chi hội Luật sư vì quyền trẻ em, việc quy định trẻ em chưa đến tuổi lao động không đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em. Bởi lẽ, theo quy định tại Điều 1 Luật Trẻ em 2016: "Trẻ em là người dưới 16 tuổi."
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo (đứng) kiến nghị quy định rõ khi nhà nước thu hồi đất, cần "hỗ trợ cho trẻ em dưới 16 tuổi"
Tuy nhiên, Điều 143 Bộ luật Lao động 2019 quy định người chưa đủ 13 tuổi cũng có thể làm các công việc theo quy định pháp luật. Đơn cử như các công việc nghệ thuật, thể dục, thể thao nhưng không làm tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của người chưa đủ 13 tuổi và phải có sự đồng ý của cơ quan chuyên môn về lao động thuộc UBND cấp tỉnh.
Do đó, việc Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định "hỗ trợ trẻ em chưa đến tuổi lao động" sẽ chưa bao quát và không cụ thể được quyền và lợi ích mà trẻ em được bảo vệ theo quy định tại Luật Trẻ em 2016. Vì thế, luật sư Phạm Thị Bích Hảo kiến nghị quy định rõ "Hỗ trợ cho trẻ em dưới 16 tuổi".
Bình luận (0)