Theo cuốn "Lịch sử Nghệ An" dẫn lại sử liệu cũ, thành Lục Niên được Lê Lợi cho xây đắp vào cuối năm 1424, sau khi kéo quân vào Nghệ An. Thành hình chữ nhật, có chiều dài hàng trăm mét, xây theo kiểu ghép đá trên độ cao 178 m.
Do nằm trên đỉnh núi cao nên thành Lục Niên chính là nơi bộ chỉ huy nghĩa quân Lam Sơn có thể quan sát bao quát và khống chế cả một vùng rộng lớn của lưu vực sông Lam, sông La, đồng thời theo dõi hoạt động của quân Minh trong thành Nghệ An. Thành Lục Niên còn là nơi Lê Lợi chỉ huy nghĩa quân vây hãm thành Nghệ An, xây dựng lực lượng để tiến quân ra Bắc, tiêu diệt quân Minh xâm lược vào thế kỷ XV.
Di tích cấp quốc gia thành Lục Niên giờ chỉ còn vài bờ tường hoang phế
Đi bộ vượt qua những con dốc dựng đứng, chúng tôi tiếp cận được khu vực thành cổ nằm ở lưng chừng núi. Khu vực thành cổ với hạng mục đồ sộ ngày xưa giờ chỉ còn lại chút ít dấu tích hoang tàn. Thỉnh thoảng chúng tôi bắt gặp những đoạn thành xếp bằng đá cao từ 1-2 m, dày từ 1,5-2 m nằm lẩn khuất trong các lùm cây dọc theo triền núi. Đây chính là mặt trước của thành Lục Niên. Gần bờ tường thành có một đền thờ Phật Quan Âm nhỏ do người dân địa phương tự dựng lên. Ông Nguyễn Văn Hùng, một cao niên ở xã Nam Kim, chia sẻ: "Ngày còn nhỏ, cách đây 60-70 năm, tôi và các đứa trẻ trong làng thường lên núi chơi, lúc đó thành Lục Niên còn khá nguyên vẹn, không như bây giờ".
Ông Trần Hữu Giáp (Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) cho biết thành Lục Niên là di tích lịch sử cấp quốc gia, giao cho xã quản lý. Do xây dựng từ lâu, hiện di tích đã hư hỏng, chỉ còn lại những bờ tường xếp bằng đá trên núi.
Từ thành Lục Niên, trên núi Thiên Nhẫn, huyện Nam Đàn đi khoảng 10 km, chúng tôi đến di tích lịch sử - văn hóa quốc gia núi Lam Thành. Do có địa thế cao, hiểm trở nên núi Lam Thành xưa là một vị trí phòng thủ chiến lược gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử trong công cuộc dựng nước và giữ nước của cha ông ta. Thời nhà Hồ (1336 -1407), Hồ Quý Ly đã cho xây dựng thành Rùm (sau đổi tên là Lam Thành) để đề phòng quân Minh xâm lược. Sau này, từ đầu triều Lê (1428) đến cuối thời Tây Sơn (1801), Lam Thành là trấn lỵ của Nghệ An.
Tại đây, những công trình hoành tráng của thành cổ này như cột cờ, ụ súng, trại lính, kho lương, hồ Voi, hồ Ngựa… chỉ còn lại ít dấu tích. Từ trên cao nhìn xuống, nhiều nơi của dãy núi bị đào, khoét nham nhở. Theo người dân nơi đây, núi Lam Thành đang dần trở thành phế tích, ngoài sự khắc nghiệt của thời gian, còn do sự đào bới lấy đất đá, khai thác quặng trong thời gian dài của con người.
Ông Ngô Minh Hạ, Bí thư Đảng ủy xã Hưng Thành (huyện Hưng Nguyên), cho biết di tích núi Lam Thành được công nhận di tích lịch sử - văn hóa quốc gia. Qua mấy chục năm không được trùng tu nên giờ đã hoang phế.
Bình luận (0)