Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) có Tờ trình số 10189/TTr-BGTVT gửi Chính phủ về giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT do bộ này quản lý.
Đây là tờ trình thứ hai được Bộ GTVT trình Chính phủ trong vòng 1 tháng qua, phần nào cho thấy tính chất cấp bách, có tác động lớn tới không chỉ các nhà đầu tư BOT giao thông, mà còn tới nhiều ngân hàng từng tham gia tài trợ vốn.
Được biết, Tờ trình số 10189 đã được Bộ GTVT tiếp thu đầy đủ ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ và các bộ, ngành liên quan tại 2 cuộc họp do Phó thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì trong các ngày 20-9 và 26-9 nhằm rà soát dự thảo báo cáo về giải pháp xử lý dứt điểm những vướng mắc tại 8 dự án BOT giao thông trước khi trình Quốc hội phê duyệt.
Theo đó, đề xuất mua lại 3 dự án BOT có bất cập gồm: trạm La Sơn - Túy Loan thuộc dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả; dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) và dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 3 đoạn km75 - km100.
Cầu Việt Trì - Ba Vì nối Quốc lộ 32 với Quốc lộ 32C
Các dự án khác được Bộ Giao thông Vận tải đề xuất xử lý là dự án hạng mục đường vành đai phía Tây TP Thanh Hóa đoạn km0 - km6; dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 91 đoạn km14 - km50+889; dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn km1738+148 - km1763+610; dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Thái Hà vượt sông Hồng trên đường nối hai tỉnh Thái Bình và Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình giai đoạn 1; dự án cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu đường sắt Bình Lợi tới cảng Bến Súc; dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Việt Trì - Ba Vì nối Quốc lộ 32 với Quốc lộ 32C.
Các dự án này được thực hiện trên cơ sở quyết định phê duyệt của Thủ tướng, tuân thủ các quy định và đều đã được thanh tra, kiểm toán thực hiện, được Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công an… khẳng định đủ cơ sở pháp lý.
Đây là các dự án BOT đã hoàn thành đưa vào khai thác nhưng chưa được thu phí, không thể thu phí do mất an ninh trật tự, phương án tài chính bị phá vỡ hoặc dự án đã thu phí nhưng doanh thu thực tế chỉ đạt 30% so với hợp đồng. Nếu tiếp tục thu và áp dụng các biện pháp như tăng, kéo dài thời gian thu phí... phương án tài chính vẫn bị phá vỡ, dư nợ ngày càng tăng và dự án không thể tiếp tục thực hiện theo hợp đồng do hoàn cảnh thay đổi cơ bản.
Năm 2021, Bộ Giao thông Vận tải từng đề xuất Nhà nước mua lại 7 dự án BOT bởi nhiều lý do như chưa có giải pháp để giải quyết các bất cập, vượt thẩm quyền. Dù nhà đầu tư đã hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng nhưng chưa được thu phí, đã thu phí nhưng bị sụt giảm doanh thu do các nguyên nhân khách quan, không thể lường trước hoặc do thay đổi chính sách từ phía cơ quan nhà nước...
Việc dùng ngân sách mua lại một số dự án BOT có thể coi là trách nhiệm, chia sẻ rủi ro của Nhà nước với doanh nghiệp. Thực tế, cần có cơ sở pháp lý để thực hiện, bởi việc mua lại đồng nghĩa với việc chuyển từ đầu tư theo hình thức đối tác công - tư sang đầu tư công.
Bình luận (0)