Sau khi lên tiếng phản bác nội dung phát biểu của ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng TP Hà Nội, cho rằng công nghệ xử lý trên sông Tô Lịch thất bại, Tổ chức Xúc tiến thương mại - môi trường Nhật Bản (JEBO) tiếp tục phát thông cáo về việc công bố giải pháp xử lý nước thải tại chỗ từ các cống trước khi xả vào sông để xử lý cả sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản và sẵn sàng đầu tư 100% chi phí xử lý toàn bộ sông Tô Lịch, hồ Tây và một số "dòng sông chết, ao hồ ô nhiễm" ở Việt Nam.
Công nghệ Nhật là tối ưu?
JEBO cho rằng chuyện hồi sinh sông Tô Lịch và các "dòng sông chết" khác ở Việt Nam đã nhiều lần được nhắc đến nhưng suốt 3 thập kỷ qua đi, nhiều đứa trẻ sinh ra bên dòng sông hôi thối giờ đã lập gia đình và lại sinh ra những đứa trẻ khác vẫn phải hít thở mùi hôi thối của những "dòng sông chết" này. JEBO cũng chỉ ra 12 ưu điểm của công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản giải quyết đồng thời được các vấn đề hiện tại của Việt Nam trong xử lý nước thải sông ô nhiễm.
Khu vực hồ Tây nơi các chuyên gia Nhật Bản thí điểm xử lý nước bằng công nghệ Nano - Bioreactor Ảnh: NGÔ NHUNG
JEBO cho rằng giải pháp sử dụng công nghệ Nano - Bioreactor sẽ bảo đảm nước thải từ các cống được xử lý tại chỗ tại bể ngầm dưới đất bằng hệ thống Nano - Bioreactor nhóm thứ 2, tạo ra nước đạt quy chuẩn Việt Nam rồi mới chảy vào sông Tô Lịch. Trường hợp phát sinh nước thải tràn vào sông thì vẫn có hệ thống Nano - Bioreactor nhóm thứ 2 đặt ở giữa sông để xử lý mùi, chất ô nhiễm và phân hủy bùn hữu cơ ở trong lòng sông, tạo dòng chảy cho sông Tô Lịch. Hệ thống vận hành hoàn toàn tự động, có điều khiển đáp ứng cả khi có mưa bão lớn.
JEBO còn cho biết giải pháp công nghệ Nano - Bioreactor của Nhật Bản nếu được áp dụng sẽ xử lý triệt để tận gốc mùi hôi thối chỉ trong 1-3 ngày và có thể xử lý được ô nhiễm. Trước đây, chưa có giải pháp công nghệ Nano - Bioreactor, Việt Nam vẫn luôn chỉ nghĩ đến việc nạo vét sông, hồ và đợi khi có đủ tài chính để hoàn thiện toàn bộ hệ thống cống bao, thu gom, tách nước thải từ nguồn đưa về các nhà máy xử lý nước thải tập trung. Nhưng trong điều kiện hiện nay của Việt Nam sẽ cần đến nguồn vốn hàng trăm ngàn tỉ đồng và sẽ mất 50-100 năm mới hoàn thiện được hệ thống này. Trong thời gian đó, các dòng sông ô nhiễm vẫn hằng ngày, hằng giờ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân.
"Chúng tôi đã báo cáo UBND TP Hà Nội về phương án JEBO sẵn sàng đầu tư 100% chi phí xử lý toàn bộ sông Tô Lịch, hồ Tây, thành công thì cho Hà Nội thuê, rồi chuyển giao cho Hà Nội quản lý, vận hành" - JEBO nêu rõ.
Đã có 3 phương án
Về việc xử lý nước sông Tô Lịch, ông Lê Văn Dục cho biết TP đã nghiên cứu 3 phương án.
Phương án 1 thu gom toàn bộ nước thải là không khả thi, do có quá nhiều điểm xả thải, chi phí xây dựng rất lớn. Phương án 2 là TP được chuyên gia Nhật Bản giúp đỡ, thí điểm sử dụng công nghệ Nano - Bioreactor để xử lý nguồn ô nhiễm ở sông Tô Lịch. Phương án 3 là xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch và một số hồ bằng các chế phẩm sinh học, hóa học nhưng các kết quả chưa thực sự khả quan và áp dụng sẽ khó hiệu quả.
Theo ông Dục, hiện còn phương án cuối cùng là xây dựng hệ thống cống thu gom nước thải đặt dọc hai bên bờ sông, nước thải được đưa về nhà máy nước thải Yên Xá (nhà máy chậm tiến độ, hiện đang xây dựng, dự kiến hoàn thành năm 2022) để xử lý.
Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết sau khi họp lại, TP đã giao JEBO xử lý 1 hồ tồn đọng và tới đây họ sẽ làm (vì công nghệ của JEBO phù hợp các khu vực nước đọng). Hà Nội cũng đề nghị JEBO mời hội đồng khoa học, chuyên gia vào để có đánh giá nghiêm túc. Hiện các nhóm nhà khoa học đang thí điểm trên môi trường thực và trong phòng thí nghiệm để làm sạch nước sông, hồ ở Hà Nội. TP sẽ sớm công bố những chương trình này. Để xử lý nước sông, hồ chỉ có thể nghiên cứu trên môi trường thực, xem chất thải gồm những chất gì nhằm cho hóa chất vào, tạo phản ứng dây chuyền để làm sạch.
TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu, nhận định để giải quyết vấn đề ô nhiễm của sông Tô Lịch, hồ Tây cũng như các sông, hồ khác ở TP Hà Nội là không khó nhưng cần có quyết tâm và đầu tư phải có kế hoạch bài bản, đồng bộ.
"Việc JEBO nói sẽ đầu tư 100% chi phí xử lý nước trên sông Tô Lịch cũng như nhiều sông, hồ khác ở Việt Nam có lẽ chỉ là vấn đề uy tín mà thôi. Thông tin này được công bố sau khi giám đốc Sở Xây dựng có một số ý kiến về việc thí điểm nhưng có thể người ta hiểu rằng danh dự và uy tín của các chuyên gia Nhật Bản bị ảnh hưởng sau những phát biểu đó. Tôi không rõ việc đầu tư 100% của JEBO cụ thể thế nào vì không được công bố nhưng nếu đúng thì TP Hà Nội cũng cần hết sức cẩn trọng xem xét vấn đề này. Để xử lý hết được các sông, hồ bị ô nhiễm ở TP Hà Nội thì kinh phí đầu tư là rất lớn, không hề đơn giản" - TS Đào Trọng Tứ bày tỏ.
Dừng các phương án thí điểm
Theo một lãnh đạo Công ty Thoát nước Hà Nội, hiện trên sông Tô Lịch đã dừng toàn bộ các phương án thí điểm làm sạch. Phương án sử dụng công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản đã được tháo dỡ toàn bộ và phương án thí điểm làm sạch sông Tô Lịch bằng việc phun rải chế phẩm Redoxy - 3C tại đoạn chảy qua phố Nguyễn Đình Hoàn (đầu nguồn) và cầu Khương Đình (cuối nguồn) cũng đã dừng. Với công nghệ Nano - Bioreactor được thí điểm từ ngày 16-5, công nghệ này gồm 2 yếu tố là máy sục khí Nano tạo ôxy trực tiếp kích hoạt vi sinh vật và các tấm vật liệu Bioreactor là chất xúc tác, cung cấp giá thể, tạo môi trường sống cho vi sinh vật. Hai yếu tố kết hợp thúc đẩy quá trình tự làm sạch nước, phân hủy bùn. Sau gần 6 tháng, ngày 10-11, các thiết bị phục vụ thí điểm đã được tháo dỡ. Ở đoạn sông thí điểm, mùi hôi giảm nhưng nước vẫn đen kịt, không khác biệt so những khu vực khác trên sông Tô Lịch. Còn với việc phun rải chế phẩm Redoxy - 3C, hiện TP Hà Nội chưa công bố kết quả thí điểm.
Bình luận (0)