Dù được phát hiện nhiều vi phạm và đã bị đình chỉ thi công từ khi mới xây tầng 1 từ tháng 3-2021 nhưng đến nay, công trình biệt thự số 9 lô B (khu biệt thự 5,2 ha Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã xây xong 3 tầng và đang hoàn thiện. Biệt thự này do ông Phạm Văn Duyên và bà Vũ Thị Thu Hà làm chủ đầu tư (ông Duyên là chủ của một công ty chuyên sản xuất xi măng - Xi măng Duyên Hà - PV).
Buộc tháo dỡ phần vi phạm
Thời gian qua, công trình này dù đang bị đình chỉ do vi phạm trật tự xây dựng (TTXD) nhưng chủ đầu tư vẫn cho công nhân phá hàng rào để thi công rầm rộ, đến nay cơ bản đã hoàn thiện.
Ngày 2-12-2021, phóng viên Báo Người Lao Động còn bị một số người từ công trình xông ra cản trở, xúc phạm, đe dọa khi đang tác nghiệp theo đúng quy định của pháp luật. Hiện, Công an quận Cầu Giấy đang điều tra, xử lý.
Trước đó, UBND quận Cầu Giấy đã cấp Giấy phép xây dựng số 638/GPXD cho chủ đầu tư với quy mô 3 tầng nổi, mật độ xây dựng 25,2%. Tuy nhiên, hiện công trình xây dựng trên có quy mô 3 tầng nổi + tầng áp mái + tầng hầm; mật độ xây dựng khoảng 50% tương ứng với diện tích sàn xây dựng khoảng 150 m2 (sai quy mô số tầng và mật độ xây dựng so với giấy phép xây dựng được cấp).
Công trình biệt thự số 9 lô B ngang nhiên vi phạm trong thời gian dài vẫn không được xử lý dứt điểm
Về việc cấp giấy phép xây dựng lại công trình nêu trên, Sở Quy hoạch và Kiến trúc (QH-KT) Hà Nội đã 2 lần có công văn đề nghị UBND quận Cầu Giấy chỉ đạo Phòng Quản lý đô thị quận đối chiếu với quy hoạch mặt bằng đã được phê duyệt để xem xét, giải quyết. Như vậy, Sở QH-KT Hà Nội không đồng ý cấp phép bổ sung và yêu cầu phải xử lý theo đúng quy định.
Sở Xây dựng Hà Nội cho biết UBND TP Hà Nội, Sở Xây dựng đã có nhiều văn bản đôn đốc, đề nghị UBND quận Cầu Giấy tổ chức xử lý công trình vi phạm trên theo quy định; cơ quan báo chí đã có nhiều bài viết, công dân có đơn phản ánh vi phạm TTXD tại công trình trên. Tuy nhiên đến nay, công trình vi phạm trên vẫn chưa được xử lý dứt điểm theo quy định mà hiện trạng mặt ngoài công trình đã được thi công hoàn thiện (lắp cửa, sơn...).
"Từ những nội dung nêu trên, để thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật và ý kiến chỉ đạo của UBND TP Hà Nội. Sở Xây dựng đề nghị UBND quận Cầu Giấy chỉ đạo UBND phường Yên Hòa chủ trì, phối hợp các phòng, ban chức năng của quận: Áp dụng các biện pháp để ngăn chặn, đình chỉ có hiệu lực, hiệu quả việc ngừng thi công xây dựng công trình; yêu cầu chủ đầu tư nghiêm túc thực hiện nội dung Thông báo số 143/TB-UBND ngày 18-5-2021 của UBND quận Cầu Giấy về việc thực hiện biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm; đồng thời hoàn thiện hồ sơ vi phạm theo quy định làm cơ sở để xử lý dứt điểm công trình vi phạm trật tự xây dựng" - Sở Xây dựng Hà Nội nêu rõ.
Nhức nhối vi phạm trật tự xây dựng
KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, nguyên Giám đốc Sở QH-KT Hà Nội, cho rằng các vi phạm TTXD ở Hà Nội thời gian qua rất nhiều, cần phải được xử lý nghiêm theo quy định. Về các vi phạm tại công trình biệt thự số 9 nêu trên, ông Nghiêm cho rằng chính quyền địa phương phải có biện pháp xử lý nghiêm túc và nhanh chóng các vi phạm tại công trình này. "Xử lý nghiêm các vi phạm trật tự xây dựng như các vi phạm tại biệt thự số 9 là để giữ kỷ cương phép nước, tránh tình trạng "nhờn luật" tương tự" - ông Nghiêm nêu rõ.
Tại hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVII, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhìn nhận thời gian qua, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị, TTXD đô thị và công tác quản lý đất đai, khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, các lĩnh vực này cũng bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, phát sinh nhiều vụ việc vi phạm… Những tồn tại, hạn chế và yếu kém đó do nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Sự thiếu lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy và sự buông lỏng quản lý của chính quyền các địa phương, cùng sự thiếu trách nhiệm và sự hạn chế về năng lực, trình độ của một bộ phận cán bộ là những nguyên nhân chính dẫn đến những khuyết điểm, yếu kém trên.
Về công tác quản lý TTXD, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết trong 10 tháng năm 2021, các đội quản lý trật tự xây dựng đô thị quận, huyện, thị xã đã kiểm tra 14.772 công trình, qua đó phát hiện, thiết lập hồ sơ xử lý 330 trường hợp có vi phạm (chiếm tỉ lệ 2,24%). Đến nay, đã xử lý dứt điểm 222/330 trường hợp vi phạm (chiếm tỉ lệ 67,34%) và đang tiếp tục giải quyết, xử lý theo thẩm quyền 108/330 trường hợp.
Trong hàng ngàn vụ vi phạm TTXD dựng nhiều năm qua ở Hà Nội, điển hình có 2 vụ được dư luận cả nước quan tâm là công trình xây dựng tòa nhà 8B Lê Trực (quận Ba Đình), xây vượt tầng và vượt chiều cao so với giấy phép; vụ vi phạm trong trật tự xây dựng trên đất rừng ở huyện Sóc Sơn mà theo kết luận của đoàn thanh tra liên ngành TP Hà Nội thì thời điểm đó tại Sóc Sơn có 2.915 trường hợp vi phạm đất đai có công trình xây dựng, trong đó có 2.715 trường hợp vi phạm đất rừng và 200 trường hợp vi phạm trên đất nông nghiệp có công trình xây dựng. Sau hơn 2 năm khi có kết luận, các trường hợp vi phạm ở Sóc Sơn vẫn chưa bị cưỡng chế và xử lý dứt điểm. Còn vi phạm tại nhà 8B Lê Trực phải mất gần 10 năm để xử lý, tốn hàng chục tỉ đồng, đến cuối năm 2020 mới cơ bản xử lý xong.
Nhiều quận, huyện vào "tầm ngắm" thanh tra
UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 317 về việc kiểm tra thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực trật tự xây dựng tại một số quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố năm 2022. Theo kế hoạch, trong quý II và quý III/2022, sẽ kiểm tra UBND các quận Thanh Xuân, Tây Hồ, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, thị xã Sơn Tây và UBND các phường, xã, thị trấn thuộc các quận, thị xã nêu trên. Thời kỳ kiểm tra tính từ ngày 1-1-2020 đến 31-12-2021.
Bình luận (0)