xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Xử nghiêm vụ "bán chui" cổ phiếu FLC

Nhóm phóng viên

Bộ Tài chính khẳng định sẽ xử lý nghiêm vụ việc "bán chui" cổ phiếu FLC theo quy định của pháp luật, trong đó xem xét các chế tài bổ sung

Ngày 12-1, trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Người Lao Động về việc Bộ Công an có chỉ đạo đơn vị nghiệp vụ vào cuộc xác minh vụ "bán chui" cổ phiếu FLC của Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết hay không, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn của Bộ Công an, cho biết: "Về nguyên tắc, khi có những vấn đề về an ninh xã hội, an ninh văn hóa đáng chú ý, Bộ Công an sẽ thực hiện một số công tác nghiệp vụ theo chức năng, nhiệm vụ để bảo đảm an ninh, trật tự, an sinh, an dân và an toàn xã hội".

Hủy giao dịch, trả tiền cho nhà đầu tư

Về phía Bộ Tài chính, trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi khẳng định sẽ xử lý nghiêm vụ "bán chui" 74,8 triệu cổ phiếu FLC của ông Trịnh Văn Quyết hôm 10-1 theo quy định của pháp luật, trong đó xem xét các chế tài bổ sung. Lãnh đạo Bộ Tài chính giao Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN) sớm nghiên cứu và đề xuất giải pháp ngăn chặn tận gốc hành vi sai phạm tương tự, không thể để xảy ra sai phạm rồi cơ quan chức năng mới xử phạt.

Lãnh đạo UBCKNN cho biết trên cơ sở báo cáo từ Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE), đã nhanh chóng phối hợp cùng các cơ quan liên quan để đưa ra giải pháp xử lý. Chiều 11-1, UBCKNN đã có văn bản chỉ đạo HoSE thực hiện hủy bỏ giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC ngày 10-1 của ông Trịnh Văn Quyết. Theo đánh giá của lãnh đạo UBCKNN, đây là biện pháp "chưa có tiền lệ trên thị trường chứng khoán Việt Nam".

Theo trình tự thủ tục xử lý vi phạm, cơ quan thanh tra của UBCKNN sẽ yêu cầu cá nhân vi phạm tới ký biên bản và sau 5 ngày sẽ ban hành quyết định xử phạt hành chính.

Hiện UBCKNN đang phối hợp với Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), HoSE và các công ty chứng khoán sàng lọc giao dịch mua đối ứng từ tài khoản của ông Trịnh Văn Quyết để hủy giao dịch và trả lại tiền cho nhà đầu tư. HoSE và VSD có trách nhiệm xác định lại các tài khoản nào đã khớp lệnh đối ứng từ tài khoản của ông Trịnh Văn Quyết để hủy lệnh và trả lại tiền. Nhân lực của VSD đang làm việc liên tục để bóc tách, xử lý dữ liệu của 36.000 giao dịch mua đối ứng 74,8 triệu cổ phiếu của ông Trịnh Văn Quyết.

Xử nghiêm vụ bán chui cổ phiếu FLC - Ảnh 1.

Tâm lý của nhà đầu tư bất ổn sau dư chấn liên quan đến động thái từ Tập đoàn Tân Hoàng Minh và Công ty FLC. Ảnh: SƠN NHUNG

Không để xảy ra sai phạm rồi mới xử phạt

Giám đốc môi giới một công ty chứng khoán cho hay ngày 10-1, giá cổ phiếu FLC mở cửa 23.600 đồng/cổ phiếu, sau đó cuối phiên giá cổ phiếu này chỉ còn 21.150 đồng/cổ phiếu. Liền 2 phiên sau, FLC tiếp tục giảm sàn, hiện chỉ còn 18.550 đồng/cổ phiếu và chưa chắc cổ phiếu này đã dừng giảm. Như vậy, trong số 135 triệu cổ phiếu FLC giao dịch ngày 10-1 thì trừ 74,8 triệu cổ phiếu của ông Trịnh Văn Quyết đổ ra bán, số còn lại hơn 60 triệu cổ phiếu kia nếu giá mua bình quân là 23.000 đồng/cổ phiếu thì tổng giá trị mua gần 1.380 tỉ đồng. Tính 3 phiên giao dịch, nhà đầu tư đã thiệt hại hơn 280 tỉ đồng.

Từ thực tế này, một chuyên gia chứng khoán cho rằng cơ quan chức năng cần đưa ra quy định để VSD áp dụng phong tỏa tài khoản đối với lãnh đạo cấp cao, nắm giữ cổ phiếu lớn hay cả những người giữ chức vụ quan trọng tại công ty để không ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán về sau.

Theo luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật TNHH ANVI, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết "bán chui" cổ phiếu đã vi phạm điều 33 Nghị định 156/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, khi không công bố thông tin dự kiến giao dịch. Theo đó, vi phạm này có thể bị xử phạt theo cả 3 hình thức gồm: xử phạt hành chính, phạt bổ sung và khắc phục hậu quả. Việc "bán chui" gần 75 triệu cổ phiếu FLC sẽ nằm trong khung phạt tiền cao nhất 3%-5% giá trị chứng khoán giao dịch thực tế nếu giao dịch có giá trị từ 10 tỉ đồng trở lên. Dù vậy, mức phạt tiền tối đa với cá nhân có vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán chỉ là 1,5 tỉ đồng.

Ngoài ra, hình thức xử phạt bổ sung bao gồm: đình chỉ hoạt động chào mua công khai, hoạt động kinh doanh, dịch vụ chứng khoán, hoạt động bảo lãnh phát hành chứng khoán, hoạt động văn phòng đại diện, hoạt động lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán, giao dịch chứng khoán hoặc các hoạt động khác, được ghi trong quyết định xử phạt trong thời hạn từ 1 đến 12 tháng.

"Vi phạm lần này của ông Trịnh Văn Quyết có thể bị buộc khắc phục hậu quả và đây là điểm mới của Nghị định 156. Cụ thể, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có thể bị buộc thu hồi chứng khoán đã chào bán, phát hành, hoàn trả cho nhà đầu tư tiền đã mua, cộng thêm tiền lãi tính theo lãi suất ghi trên trái phiếu hoặc lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng mà tổ chức, cá nhân vi phạm mở tài khoản thu tiền mua chứng khoán" - luật sư Trương Thanh Đức phân tích.

Ngoài ra, tổ chức, cá nhân vi phạm còn có thể bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp hoặc khoản thu trái pháp luật có được do thực hiện hành vi vi phạm. Nếu áp dụng cả 2 hình thức xử phạt này, ông Quyết sẽ phải chịu thiệt hại lớn.

TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng Khoa Tài chính ngân hàng Trường ĐH Kinh tế TP HCM, cho rằng nếu xác định cá nhân, tổ chức giao dịch nội gián thì buộc phải truy thu, bồi thường thiệt hại và khởi tố hình sự nếu có dấu hiệu làm lũng đoạn thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, cái khó là định nghĩa giao dịch nội gián trong luật hiện nay còn mơ hồ, dù lâu nay hành động giao dịch nội gián đã diễn ra khá phổ biến. Vì vậy, cơ quan chức năng cần bổ sung trong các quy định và mạnh tay trong xử lý vi phạm để răn đe.

Thị trường chứng khoán náo loạn sau 2 cú sốc

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 12-1, VN-Index đã tăng 18,20 điểm, lên 1.510,51 điểm; ngược lại, HNX-Index giảm 8,33 điểm và Upcom -Index cũng giảm 0,35 điểm, còn 114,19 điểm.

Tâm lý của nhà đầu tư bất ổn sau dư chấn liên quan đến việc Tập đoàn Tân Hoàng Minh có thư đơn phương bỏ lô đất trúng đấu giá hơn 24.500 tỉ đồng và việc "bán chui" gần 75 triệu cổ phiếu của Tập đoàn FLC. Hầu hết các mã chứng khoán liên quan đến bất động sản, xây dựng đều giảm sâu, hàng trăm mã giảm sàn la liệt từ đầu phiên. Riêng nhóm cổ phiếu liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết thì giảm giá sàn từ đầu phiên gồm: FLC, ROS, KLF, AMD.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo