Xuân đang về trên từng con phố, góc chợ, đường làng. Tết đang đến với mọi người, mọi nhà. Dù còn nhiều bộn bề lo toan và ảnh hưởng di chứng của đại dịch Covid-19 nhưng niềm phấn khởi được tạo đà mấy tháng cuối năm vừa qua đã mở ra kỳ vọng cho người dân vui Tết an lành, dưỡng sức, tăng tốc.
Chữa lành di chứng đại dịch
Tết Nhâm Dần 2022 là cái Tết lần thứ 3 liên tiếp, người dân Việt Nam "nếm mùi" Covid-19.
Lần đầu tiên đại dịch nổ ra trước, trong và sau Tết Canh Tý 2020 mang theo nhiều lo lắng nhưng tâm trạng nhiều người vẫn đón năm mới phấn khởi trước thành tích của năm cũ. Tết Tân Sửu 2021, dịch Covid-19 chưa dứt nhưng số đông có phần chủ quan, lơ là. Để rồi đợt bùng phát dịch lần thứ 4 trong năm 2021 như một cơn bão, gây thiệt hại nặng chưa từng có về kinh tế, khiến tâm trạng nhiều người bất an, đặc biệt là số người tử vong quá lớn.
Người dân mua hoa Tết tại một điểm bán hoa, kiểng trên đường 30 Tháng 4, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Ảnh: CA LINH
Lần đầu tiên trong lịch sử, cả nước phải thực hiện một cuộc "đại giãn cách xã hội", thời gian kéo dài trên phạm vi rộng lớn 19 tỉnh, thành phía Nam, bao gồm TP HCM - đầu tàu kinh tế cả nước và các địa phương khu vực Đông, Tây Nam Bộ. Hoạt động sản xuất - kinh doanh, đời sống dân cư đảo lộn; các chuỗi cung ứng hàng hóa tiêu dùng, nguyên liệu cho sản xuất bị đứt gãy. Nhiều bệnh viện dã chiến, các khu cách ly người nhiễm và nghi nhiễm phải dựng lên. Số ca mắc, số người chết tăng hằng ngày, trong khi nguồn vắc-xin khan hiếm, tỉ lệ tiêm ngừa trong dân còn rất thấp. Nhiều đô thị lớn, nhỏ bị ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch.
Từ một nước có tỉ lệ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 rất thấp, Việt Nam đã vươn lên tốp 6 quốc gia có tỉ lệ bao phủ vắc-xin cao nhất trên thế giới. Kinh tế từ tăng trưởng âm sâu nhất trong vòng hơn 20 năm qua vào quý III/2021 đã tăng tốc trong các tháng cuối năm để đạt tăng trưởng dương, tạo ra các con số kỷ lục trong xuất nhập khẩu; một số lĩnh vực thương mại điện tử phát triển khá...
Định vị lại cuộc mưu sinh
Nhắc chuyện năm cũ để mọi người, mọi nhà dặn lòng chuẩn bị đón một kỳ nghỉ Tết mới đầm ấm, vui tươi nhưng không phô trương, xa xỉ. Du xuân an lành để dưỡng sức, tăng tốc trong năm mới 2022 là mong ước chung của nhiều gia đình, cơ quan, địa phương và đất nước.
Trước tiên là việc đi lại phải an toàn. Tết là sum họp gia đình, về quê hay các chuyến du xuân phải an toàn cùng với bảo đảm phòng chống dịch. Nhiều tỉnh, thành đã phủ "vùng xanh" nhưng hằng ngày, cả nước vẫn còn khoảng 15.000 ca nhiễm mới.
Kế đến là phải bảo đảm sức khỏe, ăn uống, sinh hoạt, vui chơi lành mạnh. Thứ ba là chuẩn bị đà tăng tốc cho năm mới. Mỗi người, mỗi nhà, cơ quan, địa phương phải vận hành và sẵn sàng cho các kịch bản phục hồi.
Đã có bằng chứng cho thấy sự chuyển đổi kinh tế thời gian qua theo hướng phát triển công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn chưa thật sự tạo được nhiều việc làm cho đại bộ phận lao động; phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề truyền thống còn nhiều khó khăn về nguồn vốn và thị trường tiêu thụ. Bên cạnh những ông "vua nông sản" xuất hiện như sản phẩm của đổi mới trong thời gian qua thì một bộ phận không nhỏ dân cư miền Tây là người nghèo, đa số nông dân cần được định vị lại cuộc mưu sinh bền vững hơn.
Sự phát triển nhanh ở khu vực đô thị chưa tạo được nhiều kết quả vững chắc gắn với hệ đệm nông thôn, chưa tạo ra sức lan tỏa cho kinh tế nông nghiệp, khu vực nông thôn bằng nhiều ngành nghề, việc làm ở nông thôn. Trước tác động của thiên tai, dịch bệnh, mối quan hệ đô thị - nông thôn dễ rơi vào trạng thái chông chênh. Thực trạng những cuộc di cư mang đậm dấu chân "lấm bùn" của người dân vùng nông thôn thời gian qua là những chỉ dấu quan trọng để rà soát chính sách và thực thi chính sách hơn là sự can thiệp sâu bằng các biện pháp hành chính để chặn dòng di cư vốn theo lẽ tự nhiên "nước chảy về chỗ trũng".
Tết là dịp sum họp gia đình, cũng nên suy ngẫm về những cuộc di cư xuôi ngược vì đại dịch vừa qua để thấu rõ các hệ lụy về sự tụt hậu rõ ràng về hạ tầng giao thông, mặt bằng dân trí, điểm nghẽn phát triển vùng nông nghiệp, nông thôn đang đặt ra bài toán cần lời giải căn cơ. Cần lời giải tổng thể, các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế liên quan đến nông nghiệp, nông dân và xây dựng nông thôn mới; các giải pháp, cách thức thực thi hiệu quả, thiết thực hơn. Cần có nhiều hơn nữa các cơ chế, chính sách hỗ trợ người nghèo thiết thực hơn và thực thi có hiệu quả hơn để định vị lại cuộc mưu sinh cho nhiều lao động.
Bình luận (0)