Ngày 19-11, ông Phùng Đình Toàn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ngãi, cho biết đại diện Cục Đăng kiểm Solomon vừa đến tỉnh Quảng Ngãi để kiểm tra tàu cá trước khi cho phép nhập vào nước này để khai thác thủy sản.
Hướng đi mới
Theo ông Toàn, cùng đợt kiểm tra của đại diện Cục Đăng kiểm Solomon, Việt Nam có 9 tàu cá được kiểm tra, trong đó tỉnh Quảng Ngãi có 6 tàu, tỉnh Bạc Liêu 2 tàu và TP HCM 1 tàu. "Sở dĩ chọn 6 tàu ở tỉnh Quảng Ngãi để xuất khẩu qua nước ngoài là do địa phương có đội tàu lớn, ngư dân có kinh nghiệm nghề biển từ nhiều đời và là địa phương đánh bắt hiệu quả bậc nhất cả nước" - ông Toàn nhận định.
Đại diện Cục Đăng kiểm Solomon đến kiểm tra tàu cá của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi
Theo ông Toàn, việc đưa tàu cá cùng ngư dân ra nước ngoài đánh bắt là một hướng mới cho ngành thủy sản Việt Nam. Các tàu cá được cấp phép sẽ đưa sang những nước vùng Nam Thái Bình Dương như Solomon và Vanuatu để hành nghề lặn. Sau đợt kiểm tra, đại diện Cục đăng kiểm Solomon thông báo 9 tàu cá cơ bản đã đáp ứng khoảng 90% tiêu chuẩn, chỉ còn một vài thủ tục, giấy tờ đang được Tổng cục Thủy sản phối hợp cùng các chủ tàu hoàn tất, sớm đưa ngư dân đi đánh bắt.
Ông Võ Minh Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Xuất nhập khẩu Hoàng Kim Việt, cho biết công ty đã được chính phủ 2 nước Solomon và Vanuatu cấp giấy phép kinh doanh và thành lập các công ty con hoạt động trong lĩnh vực khai thác, chế biến thủy sản. "Sau khi Cục Đăng kiểm Solomon kiểm tra và xác nhận các tàu cá Việt Nam đạt tiêu chuẩn sang nước họ hoạt động, chúng tôi sẽ làm visa cho các ngư dân để đưa tàu và lao động qua khai thác. Mỗi tàu có khoảng 15-17 ngư dân, thời hạn đánh bắt khoảng 2 năm. Dự kiến đến cuối năm 2019, mọi thủ tục sẽ hoàn tất... Trước đây, chúng tôi đã làm thủ tục đưa 30 ngư dân Quảng Ngãi sang Solomon đánh bắt, nhập về Việt Nam gần 30 tấn hải sâm. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đăng ký thành lập thêm công ty ở 3 nước trong khu vực Nam Thái Bình Dương để tổ chức "xuất khẩu" tàu cá cùng ngư dân qua khai thác hải sản" - ông Hùng nói.
Ngư dân hồ hởi
Ngư dân Võ Văn Lựu (ngụ xã Bình Châu, huyện Bình Sơn; chủ tàu QNg 90627TS, công suất 700CV; 1 trong 6 tàu cá được "xuất khẩu") cho rằng mấy chục năm bám biển, ông liên tục gặp tai ương, rủi ro, sản lượng đánh bắt không như kỳ vọng khiến nợ nần chồng chất. Mới đây, giữa năm 2016, tàu của ông bị chìm do tàu nước ngoài đâm. Chạy vay tiền bạc, đầu năm 2017, ông đóng con tàu mới khoảng 3,1 tỉ đồng hành nghề lặn. Đến nay, tàu của ông đã đi được 6 chuyến biển.
"Hoạt động đánh bắt của bà con ngư dân đang gặp khó khăn do nguồn lợi thủy sản cạn kiệt, thường xuyên bị tàu nước ngoài xua đuổi, phá ngư lưới cụ... Khi nghe thông tin ra nước ngoài đánh bắt hợp pháp nên tôi đăng ký ngay. Tôi và 5 chủ tàu còn lại mong muốn tàu của mình đáp ứng đủ tiêu chuẩn để ra nước ngoài khai thác thủy sản, mang lại hiệu quả cao hơn" - ông Lựu hy vọng.
Theo ông Phùng Đình Toàn, năm 2009, Quảng Ngãi cũng có 2 tàu cá được cấp phép sang Indonesia đánh bắt nhưng không hiệu quả. Từ đó tới nay, không có thêm tàu được cấp phép. Trong Đề án khai thác viễn dương do Chính phủ phê duyệt, Quảng Ngãi là 1 trong 3 tỉnh được cấp phép cho ngư dân khai thác ở 3 nước gồm: Brunei, Papua New Guinea và Micronesia, không có Solomon. "Việc có doanh nghiệp đứng ra làm "cầu nối" đưa ngư dân ra nước ngoài khai thác là việc làm ý nghĩa, giảm thiểu tình trạng đánh bắt bất hợp pháp lâu nay, giúp bà con ngư dân có thêm lựa chọn" - ông Toàn bộc bạch.
Nói về ý tưởng "xuất khẩu" ngư dân, ông Võ Minh Hùng, một người con của ngư dân Lý Sơn, nhìn nhận: "Từ nhỏ, tôi chứng kiến cha anh đánh bắt cực khổ trên biển, hiện hiệu quả đánh bắt thấp do nguồn thủy sản trong nước cạn kiệt, trong khi nhiều nước trên thế giới có nguồn thủy sản dồi dào nhưng lại thiếu tàu, thiếu lao động. Việc đưa ngư dân mình qua khai thác, đánh bắt chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con".
Tổng cục Thủy sản là đơn vị cấp phép
Ông Nguyễn Tăng Bính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết sau khi cơ quan đăng kiểm Solomon kiểm tra những tàu cá đạt tiêu chuẩn, Tổng cục Thủy sản là đơn vị cấp phép cho tàu cá cùng ngư dân đi khai thác. Công ty Đầu tư Xuất nhập khẩu Hoàng Kim Việt là đơn vị được Tổng cục Thủy sản xác minh và có văn bản giới thiệu về Quảng Ngãi để làm thủ tục đưa tàu cá, ngư dân ra nước ngoài khai thác đánh bắt theo Đề án khai thác viễn dương do Chính phủ phê duyệt.
Bình luận (0)