Tối 27-7 đã diễn ra chương trình cầu truyền hình "Khúc tráng ca hòa bình" kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 – 27-7-2022). Chương trình diễn ra tại các điểm cầu gồm: tượng đài Bắc Sơn (Hà Nội), đền Bến Dược (TP HCM), Nghĩa trang Vị Xuyên (Hà Giang), Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng (Quảng Nam), đền thờ liệt sĩ thị xã Hoài Nhơn (Bình Định), Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh An Giang và được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1.
Cầu truyền hình "Khúc tráng ca hòa bình". Ảnh: Long Hồ
Tham dự chương trình tại tất cả các điểm cầu có lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và các địa phương. Trong đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự tại điểm cầu Hà Nội; Thủ tướng Phạm Minh Chính dự tại điểm cầu TP HCM; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự tại điểm cầu Quảng Nam; Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng dự tại điểm cầu Bình Định; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh dự tại điểm cầu Hà Giang; Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh dự tại điểm cầu An Giang.
Cầu truyền hình "Khúc tráng ca hòa bình" cũng là sự tri ân đến những người đã có công với đất nước. Ảnh: Long Hồ
Chương trình kéo dài 120 phút với 3 chương: "Những dấu chân hòa bình" (chương 1), "Bài ca không quên" (chương 2) và "Khát vọng hòa bình" (chương 3). Lần lượt qua các chương, lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc đã được tái hiện. Từ đó, ca ngợi tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng và tri ân công lao to lớn của lớp lớp thế hệ người Việt Nam đã ngã xuống vì nền độc lập của dân tộc. Chương trình cũng dành thời lượng để giao lưu với các nhân chứng lịch sử, với thân nhân các liệt sĩ và nói về công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.
Người dân TP HCM xem chương trình cầu truyền hình "Khúc tráng ca hòa bình". Ảnh: Long Hồ
Tại điểm cầu TP HCM, ông Đỗ Thanh Tình (cháu liệt sĩ Đỗ Văn Bân) đã chia sẻ về hành trình cả gia đình quyết tâm đi tìm kiếm hài cốt của người thân mình là liệt sĩ Đỗ Văn Bân (quê Thanh Hóa), hy sinh ở phía Nam khi mới 25 tuổi. Cũng tại chương trình, đại diện Ban Chỉ huy quân sự tỉnh Kon Tum đã trao cho ông Đỗ Thanh Tình kỷ vật của liệt sĩ Đỗ Văn Bân. Kỷ vật là một chiếc kẹp tóc bằng thép không gỉ, được chôn cất cùng thi hài liệt sĩ. Cầm trên tay kỷ vật của người chú mình, ông Tình bật khóc: "Hôm nay, cả gia đình tôi ai cũng xúc động. Vậy là từ nay chú đã về với đồng đội, với gia đình rồi chú ơi!".
Ca ngợi sự hy sinh của người lính. Ảnh: Long Hồ
Vượt qua những thương đau, mất mát bởi chiến tranh, nhiều cá nhân đã nỗ lực khắc phục khó khăn, vươn lên để cống hiến và xây dựng quê hương đất nước ngày càng phát triển, giàu đẹp.
Đó là hành trình trở về từ chiến trường Campuchia và bắt tay vào làm kinh tế của người cựu chiến binh Võ Thanh Chiên; là nỗ lực phủ xanh vùng đất đã bị cày nát bởi bom đạn chiến tranh và phát triển hương hiệu Chè chốt 468 của người dân Hà Giang, hay như câu chuyện của Thiếu tá Trương Xuân Bình đã học tập theo ý chí và tinh thần của người cha mình là Anh hùng lực lượng vũ trang Trương Xuân Hòa để hoàn thành những công trình nhằm phục vụ cuộc sống của người dân.
Bình luận (0)