T ối 21-6, lễ kỷ niệm 95 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21.6.1925 - 21.6.2020) và trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ XIV năm 2019 - Giải thưởng cao quý nhất của giới báo chí cả nước đã diễn ra trang trọng tại Nhà hát Lớn TP Hà Nội.
Khơi dậy lòng yêu nước
Dự sự kiện quan trọng này của giới báo chí cả nước có: Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao giải A Giải Báo chí quốc gia lần thứ XIV cho tác phẩm - chương trình “Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển” của Báo Người Lao Động. Ảnh: NGÔ NHUNG
Phát biểu tại lễ trao giải, ông Thuận Hữu - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Báo chí quốc gia - đã ôn lại truyền thống vẻ vang 95 năm của báo chí cách mạng Việt Nam. Đánh giá Giải Báo chí quốc gia lần thứ XIV, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết Giải Báo chí quốc gia lần thứ XIV năm 2019 đã thu hút hơn 1.700 tác phẩm tham dự, cho thấy hiệu quả và sức hút của giải đối với hoạt động báo chí.
Trong số 140 tác phẩm được vào chung khảo, Hội đồng Giải Báo chí quốc gia đã chấm, chọn được 103 tác phẩm báo chí xuất sắc, gồm: 9 giải A, 21 giải B, 41 giải C và 32 giải khuyến khích. Trong đó, tác phẩm - chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" của Báo Người Lao Động vinh dự được trao giải A thể loại xã luận, bình luận, chuyên luận.
Phát biểu tại lễ trao giải, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ sự tri ân những nhà báo qua các thời kỳ đã cống hiến hết mình, nhiều người đã hy sinh anh dũng, góp phần tô thắm trang sử vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam và dân tộc Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, sự ủng hộ, giúp đỡ của các tầng lớp nhân dân, báo chí cách mạng nước nhà đã không ngừng lớn mạnh, đóng góp xứng đáng, quan trọng vào sự nghiệp cách mạng giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thủ tướng nhấn mạnh báo chí cần giữ vững tinh thần cách mạng, giữ gìn niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, góp phần tạo đồng thuận và niềm tin xã hội, lan tỏa năng lượng tích cực đến mọi người dân, khơi dậy lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết dân tộc, cùng thực hiện mục tiêu, khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045.
"Đảng và Nhà nước luôn tạo mọi điều kiện cho báo chí cách mạng phát triển và cũng luôn coi trọng việc lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, tiếng nói của các tầng lớp nhân dân, thực tiễn cuộc sống của nhân dân thông qua báo chí, đó là nguồn thông tin quan trọng phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành phát triển đất nước" - Thủ tướng khẳng định.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng lực lượng hùng hậu với hơn 25.000 hội viên - nhà báo đang làm việc trong các cơ quan báo chí, cơ quan quản lý, đào tạo báo chí với bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn vững vàng sẽ ngày càng có nhiều đóng góp to lớn hơn nữa cho sự nghiệp cách mạng, xứng đáng với niềm tin yêu, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Phát huy vai trò xung kích
Sáng cùng ngày, tại Nhà hát TP HCM, Hội Nhà báo TP HCM phối hợp với Ðài Truyền hình TP HCM tổ chức lễ kỷ niệm 95 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam và trao Giải Báo chí TP HCM lần thứ 38 năm 2020.
Tham dự lễ trao giải có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân; Ủy viên Trung ương Ðảng, Phó Bí thư Thành ủy TP, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong; Ủy viên Trung ương Ðảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Trần Lưu Quang; Phó Bí thư Thành ủy TP, Chủ tịch HÐND TP Nguyễn Thị Lệ cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành của TP, lãnh đạo các cơ quan báo chí trung ương và TP HCM.
Phát biểu tại lễ trao giải, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân gửi lời chúc mừng các nhà báo nhân kỷ niệm 95 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, đồng thời khẳng định báo chí hiện nay đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển chung của đất nước cũng như của TP HCM. Trong thời kỳ bùng nổ công nghệ, sự phát triển của mạng xã hội, báo chí đã phát huy vai trò định hướng dư luận, cung cấp cho người nghe, bạn đọc những thông tin chính thống, đúng sự thật.
Theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, so với 100 năm trước, quan hệ giữa báo chí và người dân đã thay đổi căn bản. Từ chỗ 90% người dân Việt Nam không biết chữ, báo phải mất tiền mua, số báo phát hành không nhiều thì ngày nay, 95% người dân tiếp cận được báo điện tử, không mất tiền và cập nhật liên tục. Bối cảnh này đặt ra cho báo chí TP nhiệm vụ rất nặng nề nhưng rất vẻ vang. "Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM đề nghị các cơ quan báo chí phối hợp với các cơ quan của Ðảng, chính quyền, Hội Nhà báo TP HCM, các cơ sở đào tạo tiếp tục đầu tư, nâng cao chất lượng những người làm báo tại TP HCM. Những người làm báo không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nhất là trong bối cảnh khoa học - công nghệ phát triển không ngừng" - Bí thư Nguyễn Thiện Nhân mong mỏi.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cũng nhắn nhủ: "Với lực lượng lớn mạnh, báo chí TP cần tiếp tục phát huy vai trò xung kích trên mặt trận bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; đồng thời đấu tranh với những quan điểm thù địch, nhất là thông tin sai trái trên mạng xã hội. Báo chí cần kịp thời phát hiện, cổ vũ tập thể, cá nhân tiêu biểu người tốt - việc tốt, góp phần vun đắp trí tuệ, đạo đức, văn hóa của người Việt Nam".
66 tác phẩm đoạt giải Báo chí TP HCM
Giải Báo chí TP HCM lần thứ 38 năm 2020 vinh danh 66 tác phẩm. Trong đó, có 9 tác phẩm nhóm I (tin, ảnh báo chí), 12 tác phẩm nhóm II (chính luận: bình luận, xã luận, chuyên luận), 22 tác phẩm nhóm III (phim tài liệu, điều tra, phóng sự, ký báo chí), 14 tác phẩm nhóm IV (phỏng vấn, tường thuật ghi nhanh), 9 tác phẩm nhóm V (công trình tập thể).
Báo Người Lao Ðộng có 8 tác phẩm đoạt giải. Cụ thể, ở nhóm I, tác phẩm "Câu chuyện về ông chủ "ATM" gạo" (tác giả Võ Hoàng Triều, Lâm Huỳnh Tấn Nguyên) đoạt giải nhất. Ở nhóm II, tác phẩm "Trung Quốc lợi dụng dịch để lấn tới" (PGS-TS Vũ Thanh Ca, Hoàng Việt, GS Carl Thayer, Duy Quốc, Dương Ngọc) đoạt giải nhì. Ở nhóm III, tác phẩm - chuyên đề "45 năm rực rỡ tên vàng" (PGS-TS Hà Minh Hồng, TS Trần Thị Mạo, Phạm Phương Thảo, Dương Quang, Trần Trọng Thức, Trầm Hương, Vu Gia, Phan Phú Yên) đoạt giải nhì và tác phẩm "Thâm nhập thế giới làm đẹp" (Trần Thái Ý Linh, Nguyễn Văn Thạnh, Phạm Văn Dũng, Ngọc Dung, Nguyễn Thị Tố Trâm) đoạt giải 3. Ở nhóm IV, tác phẩm "Kinh tế biển và chủ quyền quốc gia" (Hồng Ánh, Hoàng Thanh, Ðình Thi, Tử Trực, Thái Phương, Kỳ Nam, Phương Nhung, Duy Quốc) đoạt giải nhì và tác phẩm "Dân vận khéo: Rộng hẻm, rộng lòng người" (Thu Hồng, Gia Minh, Sỹ Hưng, Trường Hoàng) đoạt giải khuyến khích. Ở nhóm V, chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" đoạt giải nhất và chương trình "Lắng nghe người dân hiến kế" đoạt giải khuyến khích.
Ngoài 2 giải nhất ở nhóm I và nhóm V thuộc về Báo Người Lao Ðộng, giải nhất nhóm II được trao cho tác phẩm "Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng trong tình hình mới" của Báo Sài Gòn Giải Phóng; giải nhất nhóm III thuộc về tác phẩm "DK1 - 30 năm thành đồng trên biển" của Báo Tuổi Trẻ. Giải nhất nhóm IV là tác phẩm - chuyên đề kỷ niệm ngày 30-4 "Khúc khải hoàn nối vòng tay lớn" của Báo Phụ Nữ TP HCM.
Ông Phan Nguyễn Như Khuê - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM:
Để lại nhiều dấu ấn
Với "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển", tôi cho rằng đây là chương trình có nội dung rất hay, thể hiện sự gắn bó tình quân dân, khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc, cũng như tiếp động lực cho ngư dân, góp phần bảo vệ chủ quyền của đất nước.
Có thể khẳng định đây là một công trình ý nghĩa xã hội cao, để lại nhiều dấn ấn, nhất là Báo Người Lao Động đang chuẩn bị kỷ niệm 45 năm thành lập báo. Ngoài ra, báo có rất nhiều sáng kiến hay, nhiều tuyến đề tài đi vào cuộc sống, tạo được cầu nối giữa Đảng bộ, chính quyền TP với nhân dân, đóng góp tích cực cho xây dựng và phát triển TP HCM.
Ông Trần Trọng Dũng - Chủ tịch Hội Nhà báo TP HCM:
Hội đồng sơ khảo và chung khảo đánh giá rất cao
Năm nay, Giải Báo chí TP HCM lần thứ 38 thu hút hơn 250 tác phẩm dự thi. Chúng tôi đã chọn ra hơn 150 tác phẩm lọt vào vòng chung khảo. Phải nói rằng chất lượng các tác phẩm báo chí rất đồng đều và đa dạng, phản ánh sinh động các mặt đời sống, kinh tế - xã hội của TP HCM.
Đặc biệt đối với Báo Người Lao Động, năm nay có 2 tác phẩm đoạt giải nhất, đó là tác phẩm - chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" và tác phẩm "Câu chuyện về ông chủ "ATM" gạo". Đây là 2 tác phẩm được cả hội đồng sơ khảo và chung khảo đánh giá rất cao vì có ý nghĩa lan tỏa trong xã hội rất lớn. Tôi nghĩ rằng đấy không chỉ là đánh giá của hội đồng chung khảo mà chính là của độc giả, đã trân trọng sự lao động miệt mài của tập thể Báo Người Lao Động.
Đại biểu Quốc hội BÙI SỸ LỢI (Thanh Hóa) - Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội:
Sự tưởng thưởng hoàn toàn xứng đáng
Chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" do Báo Người Lao Động phát động và triển khai trong suốt một năm qua, là một chương trình, hoạt động rất ý nghĩa. Không chỉ là ý nghĩa động viên ngư dân vươn khơi bám biển để gìn giữ biên cương của Tổ quốc, mà còn thể hiện lá cờ Tổ quốc của chúng ta được cắm trên vùng biển chủ quyền của chúng ta.
Đến nay, chương trình đã trao được hơn 100.000 lá cờ Tổ quốc cho ngư dân, bộ đội hải quân, bộ đội biên phòng... Tôi mong báo tiếp tục kêu gọi sự tham gia của các mạnh thường quân, để làm sao chúng ta đạt được mục tiêu 1 triệu lá cờ Tổ quốc trao cho ngư dân bám biển vươn khơi, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Bà Trần Lan Anh - Phó Tổng Biên tập Báo Công Luận:
Chương trình vì lòng yêu nước
Chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" là một chương trình rất có ý nghĩa. Không chỉ tiếp sức, động viên tinh thần cho ngư dân 28 tỉnh, thành có biển, để bà con yên tâm vươn khơi bám biển, cùng chung tay bảo vệ chủ quyền biển đảo mà còn có ý nghĩa tạo ra sự gắn bó, kết nối trong toàn xã hội nhằm chung tay bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Tôi tin rằng chương trình hay và ý nghĩa như thế này phải được thực hiện từ lòng yêu nước và trách nhiệm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, của chính Ban Biên tập, cũng như tập thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên của Báo Người Lao Động.
Với một công trình tâm huyết như vậy, xin chúc mừng Báo Người Lao Động đã giành được giải thưởng cao quý.
Y.Anh - M.Uyên - V.Duẩn ghi
Bình luận (0)