TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương:
Kỳ vọng tăng trưởngkinh tế 10%
Năm 2018, chúng ta đạt mức tăng trưởng 7,08%, cao nhất kể từ 10 năm qua. Nhưng giá trị quan trọng của thành tích tăng trưởng nằm ở sự thay đổi về cách thức tăng trưởng chứ không phải ở con số.
Nền kinh tế không còn dựa vào gia tăng tín dụng mà bắt đầu dựa nhiều vào khu vực kinh tế tư nhân trong nước; dựa nhiều hơn vào khai thác các ngành mà chúng ta có lợi thế; vào tăng năng suất, tăng hiệu quả, giảm chi phí cho doanh nghiệp. Như vậy, tăng trưởng bắt đầu thiên nhiều hơn về nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Đây là cách thức tăng trưởng tương đối bền vững. Nền tảng này cho chúng ta kỳ vọng năm 2019, kinh tế vẫn tiếp tục giữ mức tăng trưởng cao và cách thức tăng trưởng bền vững.
Dù cho có những dự báo về tổng cầu của thế giới giảm, nhu cầu về sản phẩm điện thoại, ôtô - sản phẩm xuất khẩu chủ lực của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) - sẽ suy giảm, thì tôi cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2019 không bị ảnh hưởng. Xét về cơ cấu, đúng là mấy năm trước, thặng dư chủ yếu ở khu vực FDI nhưng gần đây, thặng dư của khu vực kinh tế trong nước gia tăng hơn, tốc độ tăng trưởng thặng dư có những thời điểm cao hơn so với khối FDI. Nếu phát triển kinh tế tư nhân, cải cách khu vực nhà nước, tăng cường phát triển ở khu vực dịch vụ, hiệu quả sẽ bù đắp lại được việc giảm cầu từ bên ngoài với một số sản phẩm.
Những nền tảng cho tăng trưởng như trên phải liên tục được củng cố và kỳ vọng của tôi là tăng trưởng 10%. Trở lực lớn nhất hiện nay cần vượt qua để đạt được kỳ vọng là vấn đề tư duy.
GS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân:
Cần "bộ đệm" lớn hơn
Một số tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế gần đây đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu với lo ngại về suy giảm kinh tế khu vực châu Âu. Do độ mở của nền kinh tế trong nước đang ngày càng cao nên cùng với rủi ro tăng trưởng toàn cầu chậm lại, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ có ảnh hưởng rõ rệt hơn đến Việt Nam bởi đây là 2 đối tác thương mại chính.
Cần có những nghiên cứu toàn diện mang tính định lượng tốt hơn để phản ánh được những tác động đan xen cả từ phía tích cực và tiêu cực. Yếu tố tích cực thấy rõ là xu hướng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc, từ đó mang lại cơ hội cho gia tăng thu hút FDI đối với Việt Nam. Ở phía tiêu cực, do tác động của chiến tranh thương mại, nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng chậm lại, nhu cầu tiêu dùng của thị trường nước này giảm sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam. Những nhân tố này phần nào tác động đến thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2019.
Để gia tăng sức chống chịu của nền kinh tế trước những rủi ro từ bên ngoài, các chính sách kinh tế vĩ mô, đặc biệt là công cụ chính sách tài khóa và tiền tệ, cần có "bộ đệm" lớn hơn, dư địa và không gian để các chính sách này điều chỉnh cần được tăng cường, tức là các chính sách không ở "ngưỡng cận biên". Cụ thể, thâm hụt ngân sách và tỉ lệ nợ công vẫn ở mức cao, cần cải thiện, điều chỉnh lại. Ngoài ra, tín dụng cần tăng trưởng thấp hơn nữa, mức hiện tại vẫn gấp đôi tốc độ tăng trưởng kinh tế là chưa ổn...
Ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức trung ương:
Chống "chạy" quy hoạch, phiếu bầu
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức xây dựng Đảng trong năm 2019 là tham mưu chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Trong đó, sẽ thẩm định và trình phê duyệt quy hoạch Ban Chấp hành trung ương nhiệm kỳ 2021-2026. Đặc biệt, tham mưu xây dựng quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, nhà nước nhiệm kỳ này. Do đó, công tác lựa chọn, quy hoạch cán bộ phải được làm chặt chẽ, loại bỏ những kẻ cơ hội. Tuy nhiên, điều này không dễ bởi như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói: "Kẻ cơ hội chính trị như con lươn, con chạch, uốn éo rất khéo".
Để nhận diện những người này khi làm công tác cán bộ sẽ không dễ dàng. Họ thường ẩn mình, tìm cách che đậy và có sự tiêu cực từ trong tư tưởng. Với công tác làm cán bộ nhiều bước như hiện nay, đặc biệt trong năm 2019 tập trung thẩm định, đánh giá toàn diện thì sẽ loại bỏ được những người không đủ tiêu chuẩn. Tôi đề xuất công tác cán bộ phải lắng nghe dân, bám sát dân để nhận diện cán bộ, loại khỏi quy hoạch những người cơ hội chính trị bởi Đảng là luôn xác định "lấy dân làm gốc", "dựa vào dân mà xây dựng Đảng".
Ngoài ra, các cơ quan làm quy hoạch cán bộ cần chống triệt để các loại "chạy" như "chạy" quy hoạch, "chạy" phiếu bầu, "chạy" phiếu tín nhiệm. Mà để chống được tình trạng này thì giải pháp đầu tiên là phải công khai, minh bạch khi làm công tác cán bộ.
PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng:
Quyết dẹp nạn tham nhũng vặt
2019 là năm quan trọng trong công tác chỉnh đốn Đảng với những yêu cầu và nhiệm vụ cao hơn. Trong đó, công tác phòng chống tiêu cực, tham nhũng sẽ là nhiệm vụ trọng tâm tiếp nối những thành quả đã đạt được trong năm qua.
Việc dẹp nạn tham nhũng vặt là vô cùng quan trọng vì thực trạng này đang lây lan rất nhanh, mức độ ảnh hưởng của nó tới người dân rất lớn, đồng thời làm hư hại đội ngũ cán bộ. Những vụ tham nhũng lớn đã bị phát hiện xử lý liên quan đến những cán bộ cấp cao, có chức quyền lớn trong tay, nhưng tham nhũng vặt thì không giống vậy. Có thể chỉ là một cán bộ ở bộ phận một cửa cũng có thể nhũng nhiễu, hạch sách, vòi vĩnh tiền thì mới giải quyết việc cho người dân. Hay nói cách khác, chỉ cần một vị trí công việc, một "ghế ngồi" trong cơ quan nhà nước là có thể tham nhũng vặt được rồi.
Bên cạnh đó là thực hiện nghiêm trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành trung ương. Tuy nhiên, chúng ta phải nhận thức rằng tất cả đảng viên đều có trách nhiệm này, cán bộ các cấp phải đề cao trách nhiệm này.
Thầy Đỗ Đức Anh, Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TP HCM):
Loại bỏ các tiêu cực
Trong năm 2019, ở góc độ người thầy, tôi mong muốn ngành giáo dục không có những tiêu cực như năm cũ. Chúng tôi đều mong những tiêu cực, dù là nhỏ nhất cũng phải được loại bỏ hoàn toàn.
Đối với chương trình tập huấn giáo viên cho chương trình mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), giáo viên mong muốn được tập huấn sâu sát, cặn kẽ, chứ không phải kiểu cưỡi ngựa xem hoa. Mọi đổi mới đều phải bắt nguồn từ người thầy nên các nhà quản lý cần chú trọng đến công tác tập huấn, bồi dưỡng giáo viên. Cần có nhiều bài mẫu, giáo án mẫu hay những kênh tập huấn thật hiệu quả.
Thầy Nguyễn Viết Đăng Du (Tổ trưởng Tổ Lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3, TP HCM):
Giảm tải cho người thầy
Tôi mong muốn chương trình và sách giáo khoa mới của Bộ GD-ĐT mang tính bền vững lâu dài để người thầy bớt thấp thỏm, hồi hộp trước những đổi thay mang tính tạm bợ, thời điểm của bộ. Bên cạnh đó, giáo viên tiếp tục được cởi mở trong phương pháp giảng dạy, lấy chất lượng đầu ra, niềm hạnh phúc của học sinh mỗi ngày đến trường để đánh giá chất lượng người thầy. Người thầy cần được giảm tải trong công tác chuyên môn, bớt sổ sách; được động viên và quan tâm đúng chất để toàn tâm phục vụ công tác giảng dạy.
TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp - Bộ GD-ĐT:
Hướng đến việc thiện
Một năm mới đến, chúng ta có quyền kỳ vọng về thay đổi văn hóa theo chiều hướng tích cực hơn. Tôn trọng và phát huy các giá trị dân tộc "uống nước nhớ nguồn", mỗi người mỗi ngày đều hướng đến việc thiện, làm việc gì cũng nên nghĩ về người khác thì xã hội sẽ đỡ rất nhiều tiêu cực.
Ngay cả cơ quan công quyền, nếu văn hóa hướng đến người dân mà tận tâm phục vụ thì những chính sách, hành vi ứng xử của cán bộ công chức sẽ trở nên chuẩn mực. Muốn xây dựng Chính phủ kiến tạo, trước hết cần hình thành văn hóa kiến tạo ở mỗi người dân và cán bộ công chức. Đó chính là đổi mới mà cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói: "Văn hóa là đổi mới, đổi mới là văn hóa".
P.Nhung - M.Chiến - Đ.Trinh - Y.Anh ghi