Ngân hàng Thế giới (WB) vừa đưa ra con số thống kê năm 2017, kiều hối chuyển về Việt Nam đạt khoảng 13,8 tỉ USD, tăng 16% so với năm 2016 và là mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây.
Vượt mọi dự báo
Chậm hơn so với mọi năm, đến thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn chưa công bố con số thống kê về kiều hối năm 2017 trong cả nước mà chỉ có số liệu kiều hối chuyển về TP HCM đạt 5,2 tỉ USD. So với năm 2016, dòng kiều hối chuyển về địa phương này đã tăng 4,5% và chiếm 58% tổng doanh số kiều hối của cả nước.
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) kiêm Giám đốc Trường Đào tạo BIDV, cho biết dự báo của BIDV cũng tương đồng với các con số WB vừa công bố.
Như vậy, dòng kiều hối vẫn chảy mạnh về Việt Nam trong năm 2017, vượt qua mọi dự báo. Tại thời điểm cuối năm 2016, đầu năm 2017, các tổ chức quốc tế cũng như giới quan sát đều thận trọng cho rằng kiều hối năm 2017 có nhiều áp lực giảm mạnh do tác động từ chính sách chống nhập cư của Tổng thống Mỹ Donald Trump và chính sách nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Trước đó, vào năm 2016, kiều hối cũng giảm tới 10% so năm 2015 khi chỉ đạt 9 tỉ USD.
Phân tích nguyên nhân khiến dòng kiều hối tăng trưởng mạnh mẽ, TS Cấn Văn Lực cho rằng tác động tích cực là do tình hình kinh tế thế giới năm 2017 tăng trưởng rất tốt, kéo theo thu nhập, dòng tiền chuyển về nhiều hơn. Yếu tố quan trọng khác là môi trường kinh doanh, đầu tư của Việt Nam năm qua được cải thiện đáng kể, làm tăng niềm tin vào thị trường để nhà đầu tư nước ngoài nói chung và Việt kiều nói riêng chuyển tiền về nước vừa là kiều hối vừa tham gia sản xuất - kinh doanh, khởi nghiệp. Bên cạnh đó, kiều hối còn chịu ảnh hưởng tích cực từ kết quả hội nhập kinh tế Việt Nam được thúc đẩy đặc biệt với thành công của năm APEC.
Kiều bào đến nhận giấy mời dự chương trình Xuân quê hương 2018 tại Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Ảnh: Dương Ngọc
TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), nhận định kiều hối từ Mỹ chuyển về Việt Nam rất quan trọng nhưng không phải là tất cả. Hơn nữa, thời kỳ ông Trump làm Tổng thống cũng rơi vào chu kỳ tích cực của nền kinh tế Mỹ, nên bên cạnh áp lực giảm kiều hối như đã nói ở trên thì vẫn có những yếu tố tích cực ảnh hưởng tới lượng kiều hối từ Mỹ về Việt Nam khiến dòng vốn này vẫn mạnh.
Góp phần dự trữ ngoại hối
TS Trương Văn Phước, quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, cho biết kiều hối có đóng góp quan trọng, làm tăng dự trữ ngoại hối quốc gia lên mức kỷ lục 52 tỉ USD tính đến cuối năm 2017 và tiếp tục tăng lên mức 57 tỉ USD tính đến ngày 6-2.
"Đương nhiên, kiều hối khi về Việt Nam không thể chuyển ngay vào trong dự trữ ngoại hối mà chuyển hóa qua nhiều cách. Ví dụ, người dân nhận kiều hối bán đi ngoại tệ đó lấy VNĐ. Ngân hàng thương mại (NHTM) mua vào cũng cho vay, cho mượn ngoại tệ không nhiều. Hơn nữa, quy định về trạng thái ngoại tệ nếu vượt thì NHTM phải bán cho NHNN lấy VNĐ và đó là hình thức làm tăng dự trữ ngoại hối quốc gia" - ông Phước phân tích.
Nói về vai trò của dòng kiều hối, TS Trương Văn Phước cho biết đây là dòng vốn quan trọng, trước hết đối với cán cân thanh toán và nhiều mặt khác của nền kinh tế đất nước. Trước đây, khi tiết kiệm ngoại tệ bằng USD có lãi suất cao và tỉ giá biến động cao thì người dân gửi USD vào ngân hàng chờ giá cao để bán ra. Nhưng từ tháng 12-2015 đến nay, NHNN áp dụng lãi suất tiết kiệm bằng ngoại tệ 0%, tỉ giá ổn định thì người dân có xu hướng chuyển đổi USD lấy VNĐ có lợi hơn. Tiền đó vận hành trong nền kinh tế như góp vốn sản xuất - kinh doanh, mua bất động sản, mua chứng khoán… tùy vào quyết định của người nhận kiều hối.
Nhiều chuyên gia đều lạc quan đưa ra dự báo kiều hối năm 2018 sẽ vẫn tiếp tục giữ xu hướng tăng. Theo dự báo của WB, kiều hối của Việt Nam sẽ tăng khoảng 5%-7% so năm 2017.
Thể hiện niềm tin của người gửi tiền
Theo TS Cấn Văn Lực, kiều hối là nguồn ngoại tệ quan trọng và tương đối ổn định, bền vững vì tính bình quân mỗi năm Việt Nam nhận khoảng 10 tỉ USD trong vòng 6-7 năm qua. Đây là nguồn lực góp phần thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, phong trào khởi nghiệp và góp phần ổn định thị trường ngoại hối, tỉ giá và góp phần tăng dự trữ ngoại hối của Việt Nam. Bên cạnh đó, dòng kiều hối chuyển về mạnh mẽ còn thể hiện niềm tin của người gửi tiền, của Việt kiều có nguồn thu nhập dư muốn chuyển tiền về đầu tư sản xuất - kinh doanh hoặc gửi tiết kiệm.
Bình luận (0)