UBND TP Cần Thơ vừa ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức (CB-CC), viên chức và người lao động trong cơ quan, đơn vị sự nghiệp khối nhà nước. Bộ Quy tắc gồm 4 chương, 11 điều, trong đó quy định các chuẩn mực xử sự của CB-CC và những quy tắc ứng xử chung quy định những việc CB-CC phải làm và không được làm. Theo đó, trang phục của CB-CC khi làm việc tại công sở hoặc trong thời gian thực thi nhiệm vụ, công vụ phải đảm bảo gọn gàng, lịch sự, kín đáo, phù hợp với hoàn cảnh và đặc thù công việc. Đối với nữ, phải mặc áo có tay. Đặc biệt, cả nam và nữ CB-CC không được mặc quần jeans, áo thun các loại…
Nhiều người ủng hộ nhưng cũng không ít người không đồng thuận việc Cần Thơ cấm cán bộ, công chức mặc quần jeans, áo thun đến công sở làm việc. Ảnh: Internet
Trả lời với báo chí, ông Nguyễn Hoàng Ba - Giám đốc Sở Nội vụ TP Cần Thơ, đơn vị tham mưu cho UBND TP Cần Thơ ban hành quy tắc này – cho biết trước khi ban hành quy tắc, Sở Nội vụ đã nhiều lần tổ chức lấy ý kiến các sở, ngành và địa phương nhưng không ai thắc mắc liên quan đến quy định nam, nữ CB-CC không được mặc quần jeans, áo thun khi làm việc. Ngoài ra, Sở Nội vụ TP Cần Thơ còn tham khảo Hà Nội và TP HCM cũng không thấy 2 TP lớn này cho phép CB-CC mặc quần jeans, áo thun đến công sở.
Tuy nhiên, những ngày qua, dư luận trong giới CB-CC ở TP Cần Thơ và trên mạng xã hội đưa ra rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh quy định này.
Anh Phan Văn Chanh Ly (công tác trong lĩnh vực đất đai), cho biết việc CB-CC mặc quần jeans, áo thun đi làm là chưa phù hợp, chưa chuẩn mực đối với một CB-CC. Bởi lẽ, quần jeans, áo thun chỉ mang tính chất thời trang nên không phù hợp với CB-CC nhà nước.
Tương tự, chị Nguyễn Ngọc Thẳng (cán bộ tư pháp ở quận Bình Thủy) cũng cho rằng tất cả nữ CB-CC trong cơ quan chị đều mặc quần tây, áo vest; còn nam CB-CC đều mặc quần tây, áo sơ mi khi đến công sở. "Mặc như thế thì không chỉ lịch sự mà còn tỏ ra tôn trọng khi tiếp xúc, làm việc với người dân"- chị Thẳng bày tỏ.
Anh Võ Thanh Sang (ngụ quận Cái Răng) cũng cho rằng CB-CC khi tiếp xúc với người dân mà mặc áo thun thì thấy… sao sao.
Trong khi đó, anh V.M.T. (công chức tại quận Ninh Kiều) cho rằng quy định này là quá cứng nhắc, không phù hợp với xu thế hiện tại trên thế giới. "Tôi thấy chỉ nên không cho mặc áo thun cổ tròn, còn áo thun có cổ và quần jeans vẫn lịch sự chứ có sao đâu mà cấm?".
Đồng quan điểm với anh T., anh A.N. (ngụ quận Ô Môn) cũng không đồng tình với quy định cấm CB-CC mặc quần jeans, áo thun khi đến cơ quan. "Người ta thường bảo "chiếc áo không làm nên thầy tu". Vì thế, không thể nói CB-CC mặc áo thun, quần jeans là thiếu lịch sự, là không kín đáo. Lịch sự và tôn trọng người dân khi làm việc hay không là nằm ở thái độ và đạo đức của CB-CC chứ không thể hiện qua áo quần mà CB-CC đó đang mặc trên người" – anh N. khẳng định
Theo chị L.N. (công tác tại một đơn vị sự nghiệp ở quận Ninh Kiều), CB-CC mặc quần jeans, áo thun vẫn đẹp, vẫn lịch sự thì tại sao bị cấm? "Theo tôi, quần jeans, áo thun chỉ không nên mặc khi CB-CC tham dự các sự kiện quan trọng. Còn lúc làm việc bình thường, họ có quyền lựa chọn quần áo để mặc, miễn sao nó kín đáo và đẹp là được rồi. Ở nước ngoài, cán bộ cấp cao đôi khi còn mặc quần jeans đi làm việc nhưng có sao đâu?".
Giữa tháng 7 vừa qua, ngành giáo dục tỉnh Kiên Giang có văn bản gửi các trường THPT trên địa bàn tỉnh đề nghị nhà trường triển khai để nữ sinh THPT mặc áo dài truyền thống đi học ít nhất 1 buổi/tuần (buổi chào cờ đầu tuần) trong năm học 2017-2018. Văn bản này đã được đông đảo phụ huynh và học sinh trong tỉnh nhiệt tình ủng hộ.
Quy định sinh viên không được mặc quần jeans, áo thun khi đến trường của ĐH Cửu Long ban hành năm 2014
Tháng 10-2014, việc ĐH Cửu Long (Vĩnh Long) ra quy định cấm sinh viên mặc quần jeans, áo thun, mang dép lê đi học đã vấp phải phải sự phản đối quyết liệt từ sinh viên và dư luận. Vì thế, quy định đó đã... bất hiệu lực kể từ ngày được áp dụng.
Bình luận (0)