Đối với dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Ủy ban Xã hội của QH (cơ quan chủ trì thẩm tra) cho biết dự thảo luật sau khi chỉnh lý gồm 12 chương và 119 điều, nhiều hơn 13 điều so với dự thảo trình QH tại kỳ họp thứ 3 (bỏ 1 điều, bổ sung 14 điều).
Tại hội nghị đại biểu (ĐB) QH chuyên trách và phiên họp chuyên đề pháp luật do Ủy ban Thường vụ QH tổ chức vào cuối tháng 9-2022, nhiều nội dung trong dự thảo luật đã được góp ý, bàn thảo. Về giá khám bệnh, chữa bệnh (điều 106), ĐB Phạm Hùng Thắng (Hà Nam) đề nghị nghiên cứu xem xét việc nhà nước quy định thống nhất về khung giá khám bệnh, chữa bệnh đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của tư nhân.
Về vấn đề này, cơ quan thẩm tra cho biết dự thảo luật đã quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo hướng giá khám bệnh, chữa bệnh được xác định dựa trên chi phí tính đầy đủ các yếu tố chi phí. Các yếu tố chi phí để thực hiện khám bệnh, chữa bệnh bao gồm: chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp cho người bệnh, chi phí quản lý, chi phí khấu hao tài sản cố định và chi phí khác. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định giá khám bệnh, chữa bệnh cụ thể đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước trên phạm vi toàn quốc. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh do cơ sở cung cấp nhưng phải thực hiện niêm yết, công khai và chịu sự kiểm tra các yếu tố hình thành giá theo quy định của pháp luật về giá.
Theo GS Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam, việc tự quyết định trong xây dựng, ban hành, công khai giá viện phí tại các cơ sở y tế tư nhân nhìn chung không ảnh hưởng tới quyền lợi của người bệnh, phù hợp với quy luật cung cầu trong cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Người bệnh có quyền tự lựa chọn dịch vụ chăm sóc sức khỏe cá nhân. Trường hợp giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của một cơ sở y tế đưa ra không hợp lý, bệnh nhân có quyền lựa chọn cơ sở y tế khác để sử dụng dịch vụ.
Đối với dự án Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi), tại kỳ họp thứ 4, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã trình bày tờ trình của Chính phủ về dự án này; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh cũng đã trình bày báo cáo thẩm tra về dự án.
Tham gia đóng góp ý kiến về dự án Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi) tại hội nghị ĐBQH chuyên trách mới đây, ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) kiến nghị luật cần bao quát đầy đủ các lĩnh vực nhạy cảm, nhất là đối với các tổ chức cung cấp bộ tài sản ảo, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian kết nối người đi vay, cho vay dựa trên nền tảng của công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống tham nhũng, tội phạm.
Dự kiến trong ngày 24-10, QH cũng thảo luận dự thảo Nghị quyết của QH về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Bình luận (0)