Thư có đoạn tha thiết: "Bạn và tôi, tất cả chúng ta cùng nhau bắt tay xây dựng quê nhà xanh tươi, sạch đẹp. Mỗi người cùng tham gia, cùng đóng góp sức lực, cùng đưa ra sáng kiến để thực hiện chương trình hành động đầy ý nghĩa này. Hãy nhặt từng cọng rác, trồng từng cây xanh, nâng niu từng cụm hoa cỏ...".
Biết rằng vận động suông thì chưa đủ, tỉnh này triển khai chương trình hành động song song, trước hết bằng chiến dịch "Hoa thay rác" - trồng hoa ở những bãi đất trống nơi công cộng để vừa làm đẹp cảnh quan vừa "đánh chặn" ý định xả rác của những người nhận thức kém.
Tại nhiều tỉnh, thành khác cũng đã và đang phát động phong trào làm sạch môi trường. Thừa Thiên - Huế có "Chủ nhật xanh", Quảng Ngãi có "Hãy làm sạch bãi biển", Quảng Nam từ lâu tại xã đảo Tân Hiệp (Cù lao Chàm, thuộc TP Hội An) đã "Nói không với túi ni-lông"... Không chỉ "nói" mà còn "làm", làm rất kiên quyết và liên tục, nhờ vậy mà Cù lao Chàm sau 10 năm được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới đã bảo tồn nguyên vẹn các giá trị tài nguyên thiên nhiên, trở thành địa chỉ du lịch sinh thái hấp dẫn.
Nhìn rộng ra 63 tỉnh, thành và dọc chiều dài hơn 3.200 km bờ biển nước ta, sẽ thấy ô nhiễm môi trường bởi rác, nhất là rác thải nhựa, đang là thách thức lớn. Kể cả những hòn đảo sạch đẹp được ví là "đảo ngọc" như Phú Quốc, Lý Sơn, Côn Đảo cũng bị đe dọa. Rác từ đâu? Từ phía con người mà ra. Báo cáo của Tổ chức Bảo vệ môi trường biển Ocean Conservancy cho biết 90% lượng rác thải trên biển là rác thải nhựa, 70%-80% là rác thải có nguồn gốc từ đất liền do con người tạo ra. Việt Nam đang là quốc gia có lượng rác thải nhựa xếp thứ tư thế giới.
Biển đã vậy, sông cũng thế. Đã có nhiều vụ đầu độc các dòng sông bị phát hiện và xử lý nhưng bàn tay sát thủ của con người vẫn chưa dừng lại. Mới đây, một nhà máy xử lý men vi sinh đóng bên đầu nguồn sông La Ngà bị đóng cửa vì nghi có liên quan đến những vụ cá lồng bè chết đồng loạt hàng tấn ở hạ lưu sông này.
Sáng 9-6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát động phong trào chống rác thải nhựa trên phạm vi toàn quốc. "Ngay từ bây giờ, chúng ta cần có những hành động thiết thực, cụ thể để kiểm soát, ngăn chặn phát sinh rác thải nhựa để người dân Việt Nam hiện tại và các thế hệ tương lai, con cháu chúng ta được sống trong môi trường trong lành, an toàn và bền vững" - Thủ tướng kêu gọi.
Những chuyến ra quân dọn rác, những phong trào tuyên chiến với rác thải nhựa, thật ra, chưa thể làm sạch môi trường một cách căn cơ nhưng sẽ từng bước giúp thay đổi ý thức của con người, thà muộn nhưng làm còn hơn không. Có ý thức tốt và trách nhiệm với môi sinh thì mới có hành động, việc làm tử tế cho cộng đồng. Và, kêu gọi hay tuyên dương cũng chưa đủ, đi kèm với đó phải là chế tài nghiêm khắc theo luật định các hành vi làm hại môi trường, như: xả thải lén, đổ rác bậy, nhập phế liệu cấm...
Bình luận (0)