Ngày 5-3, tại tọa đàm "Doanh nghiệp đóng góp ý tưởng đồ án quy hoạch chung TP Thủ Đức", ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM, nhấn mạnh vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình lập và hiện thực hóa đồ án quy hoạch chung TP Thủ Đức đến năm 2040, tầm nhìn năm 2060.
Vì vậy, Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP HCM và TP Thủ Đức luôn mở cửa tiếp thu những ý kiến đóng góp tinh túy cho đồ án để cùng xem xét, thẩm định đồ án sao cho khả thi nhất.
Ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP HCM nhấn mạnh vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình lập và hiện thực hóa đồ án quy hoạch chung TP Thủ Đức sau khi được phê duyệt.
"Tôi mong muốn đề án quy hoạch gắn với đời thường, thực tiễn hơn và dễ hiểu để mọi người đóng góp ý kiến và thực hiện về sau. Chúng tôi cùng cộng đồng doanh nghiệp bắt tay, chia sẻ để có đồ án tốt nhằm cân bằng lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Có như vậy sau này triển khai quy hoạch mới nhanh, gọn, không điều chỉnh nữa vì mỗi lần điều chỉnh rất khó khăn" – ông Nguyễn Thanh Nhã nói.
Cần tính toán kỹ vì quỹ đất có hạn
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, cho biết năm 2021 TP Thủ Đức thu 10.350 tỉ đồng, chỉ chiếm 2,7% tổng thu ngân sách toàn TP HCM và bằng 56% thu ngân sách quận 1.
Như vậy, mục tiêu thu ngân sách chiếm 30% TP HCM của TP Thủ Đức còn quá trình rất dài mới hoàn thành, song thời cơ đã đến.
UBND TP Thủ Đức tổ chức tọa đàm "Doanh nghiệp đóng góp ý tưởng đồ án quy chung TP Thủ Đức".
Theo ông Châu, một trong những trụ cột quan trọng quyết định thành công phát triển TP Thủ Đức là sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp. "TP Thủ Đức định hướng phát triển dựa trên quy hoạch với sự góp ý của doanh nghiệp để thực hiện thì không cần lo nguồn vốn. Bởi nguồn vốn ngân sách là vốn mồi, còn nguồn vốn phát triển chính là từ xã hội, cộng đồng doanh nghiệp. Các đô thị thông minh trên thế giới phát triển cũng dựa vào các tập đoàn lớn của các quốc gia" – ông Châu nói.
Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP nhấn mạnh rằng TP Thủ Đức muốn phát triển nhanh, bền vững thì trước tiên phải phát triển hạ tầng giao thông, để liên kết với phần còn lại của TP HCM và vùng lân cận. Đây là yếu tố quyết định.
"TP Thủ Đức cũng cần tính toán để quy hoạch lại quỹ đất để tạo lợi thế thu hút nhiều "sếu đầu đàn" về đây. Chúng tôi cũng rất mong TP Thủ Đức thu hút được nhà đầu tư chiến lược để phát triển trung tâm tài chính tại Thủ Thiêm, là cực phát triển của TP Thủ Đức trong tương lai" – ông Châu cho biết.
PGS.TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP HCM, cho rằng cần linh hoạt trong quản lý đồ án quy hoạch để nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
PGS.TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP HCM, cho rằng đồ án quy hoạch chung TP Thủ Đức phải đảm bảo tính linh hoạt, đa dạng và độ cao để mang lại hiệu quả sử dụng đất cao, bởi hiện nay quy hoạch rất cứng nhắc.
Đồng quan điểm, ông Trần Quốc Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh, cho rằng cần rà soát đánh giá lại quy hoạch để đảm bảo tính kế thừa và điều chỉnh phù hợp thực tế xu hướng phát triển hiện nay để tháo gỡ các điểm quy hoạch "treo", đồng thời phát triển đột phá với những vùng quy hoạch mới, phát triển đô thị đồng bộ. Bên cạnh đó, TP Thủ Đức cần xem xét những khu vực trước đây có hệ sống sử dụng đất thấp để tối ưu hóa sử dụng đất.
Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean, cho rằng bài toán cho quy hoạch chung TP Thủ Đức là giải quyết quy hoạch "treo", dự án "treo" để giải phóng quỹ đất. Ông cho rằng cần có trung tâm phát triển quỹ đất và tiến tới hình thành công ty phát triển quỹ đất công thuộc sở hữu Nhà nước để cung cấp đất cho các dự án.
Phát huy lợi thế sông nước và kinh tế đêm
Ông Trần Quốc Dũng cho rằng TP Thủ Đức chú trọng phát triển không gian ngầm để mở rộng không gian đầu tư phát triển đô thị, bởi hiện nay đất đai và không gian phát triển có giới hạn. Ngoài ra, TP Thủ Đức phải phát huy lợi thế sông nước để phát triển đô thị.
Làm rõ hơn, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty Vietravel, nhấn mạnh rằng toàn bộ đoạn sông Sài Gòn đẹp nhất của TP HCM hầu như đi qua địa bàn TP Thủ Đức. Vì vậy, TP Thủ Đức cần chú trọng phát triển loại hình thể thao gắn với sông nước, bến đậu du thuyền, ca nô trên sông Sài Gòn.
Đặc biệt, TP Thủ Đức cũng cần những dịch vụ để khai thác du lịch sông, nhất là vào ban đêm, đi kèm đó là những dịch vụ khai thác kinh tế đêm.
Trước mắt, Thủ Đức cần triển khai đường bờ sông, trang trí ánh sáng để tạo thành điểm vui chơi mới, bởi hiện nay không có dịch vụ gì. Từ nơi đây nhìn ngược về trung tâm TP HCM về đêm rất thú vị và sẽ là điểm chụp ảnh của người dân, du khách, nhất là giới trẻ.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn xuất nhập khẩu liên Thái Bình Dương, đề xuất đưa vào quy hoạch và nhấn mạnh vai trò của Trung tâm tài chính quốc tế được đặt tại TP Thủ Đức.
Đồng quan điểm, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn xuất nhập khẩu liên Thái Bình Dương, đề xuất TP Thủ Đức cần có một khu hoạt động kinh tế về đêm, đồng thời bổ sung quy hoạch khu trung tâm vui chơi giải trí công nghệ cao như Disneyland (Mỹ). Đây đều là những địa điểm độc đáo thu hút người dân, du khách đến vui chơi, mua sắm.
Góp ý tại tọa đàm, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao bộ phận đầu tư Công ty Savills Việt Nam, cho rằng TP Thủ Đức cần nghiên cứu sâu hơn không gian kinh tế và không gian đầu tư để thu hút doanh nghiệp. Đồ án quy hoạch phải trả lời được câu hỏi vì sao nhà đầu tư vào Thủ Đức.
Bên cạnh đó, Thủ Đức phải giải quyết được vấn đề quỹ đất để tránh tình trạng quy hoạch xong nhưng doanh nghiệp không thể đầu tư vào được vì giá trị lớn bởi giá đất tăng.
Bà Phạm Thị Bích Huệ, Chủ tịch Công ty quản lý và khai thác cảng quốc tế Long An, đề xuất TP Thủ Đức nên tận dụng những lợi thế rất lớn là kết nối đa phương tiện (đường bộ, đường không, đường thủy) để quy hoạch, xây dựng trung tâm logistics cấp 1 quốc gia (rộng từ 50-100 ha) và mang tầm vóc quốc tế, sau đó là xây dựng thêm trung tâm logistics chuyên dùng.
Bà tin rằng xây dựng trung tâm logistics ở TP Thủ Đức là phù hợp vì vị trí lý tưởng nằm giữa sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Long Thành, trái tim của vùng kinh tế Đông Nam bộ. "Nếu không tận dụng làm trung tâm logistics ngay thì lợi thế của TP Thủ Đức sẽ chuyển về vùng khác" – bà Huệ nói.
Bình luận (0)