UBND tỉnh Bình Thuận vừa ban hành Văn bản yêu cầu Công ty TNHH Đầu tư Sài Gòn, Công ty TNHH Thương mại Đức Cảnh và Công ty Phú Hiệp dừng và tạm dừng khai thác quặng titan. Trong vòng 90 ngày phải khắc phục các tồn tại, vi phạm.
Hiện trạng khai thác titan ở huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận
Riêng Công ty Tân Quang Cường phải giữ nguyên hiện trạng tuyệt đối không tác động khu vực mỏ cho đến khi xử lý xong các vi phạm.
Ngoài ra UBND tỉnh giao cho Sở TN-MT, công an tỉnh kiểm tra, giám sát các hoạt động của công ty nói trên.
Trước đó, báo Người Lao Động phản ánh bài viết "Flycam: Mỏ khai thác titan băm nát bãi biển Bình Thuận" và "Vỡ mộng "cơn lốc vàng đen" titan".
Tài liệu phóng viên thu thập được cho thấy có 25 doanh nghiệp xin khai thác titan ở Bình Thuận. Tuy nhiên, chỉ có 4 doanh nghiệp xây dựng mỏ khai thác. Để có thể hoạt động khai thác, bắt buộc phải có giấy phép khai thác nguồn nước trong khi Bình Thuận đang thiếu nước nghiêm trọng.
Kho chứa titan sau khi khai thác - Ảnh: Lê Phong
Vì vậy, kể từ năm 2016, Bộ TN-MT yêu cầu tất cả phải ngưng hoạt động. Thế nhưng, theo thống kê khai thác trữ lượng khoáng sản 2017 tỉnh Bình Thuận ghi nhận có hơn 6.600 tấn sản lượng titan được xuất khẩu.
Người dân sống xung quanh các mỏ titan đang gặp nhiều khó khăn khi các cây trồng chết khô, nguồn nước sinh hoạt chuyển sang màu đỏ.
Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Bình Thuận công bố khu vực khai thác titan có lượng phóng xạ vượt quá quy định cho phép.
VIDEO flycam các mỏ khai thác titan ven biển Bình Thuận tan hoang
Bình luận (0)