UBND TP Hà Nội vừa có văn bản chỉ đạo các đơn vị tập trung triển khai các biện pháp phòng, chống, giảm thiệt hại do sạt lở đất, bờ sông, bờ biển và lũ quét.
Theo đó, Hà Nội yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã, các sở, ban, ngành và các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện nghiêm các công điện, văn bản chỉ đạo của Trung ương và thành phố đối với công tác phòng, chống sạt lở, lũ quét.
Đối với các quận, huyện, thị xã, TP Hà Nội yêu cầu tiếp tục tổ chức rà soát kỹ, kịp thời phát hiện các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét, nhất là các khu vực có dân cư, trường học, công sở, doanh trại, nhà máy, xí nghiệp.
Đối với các khu vực đã phát hiện có dấu hiệu, nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét, phải kiên quyết di dời người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc có phương án chủ động đảm bảo an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại tài sản, không để xảy ra tình huống bị động, bất ngờ.
UBND TP Hà Nội yêu cầu các địa phương phải kiểm soát chặt chẽ công tác quy hoạch xây dựng và hoạt động xây dựng, nhất là việc xây dựng nhà cửa, công trình ở khu vực sườn dốc, ven sông, suối, kênh rạch và vùng có nguy cơ xảy ra tai biến địa chất. Nghiêm cấm và xử lý nghiêm việc chặt phá rừng, nhất là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.
Các cơ quan liên quan có trách nhiệm tổ chức rà soát, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm, triệt để các trường hợp vi phạm quy định về quản lý sử dụng đất, hoạt động xây dựng, nhất là hoạt động xây dựng trái phép gây nguy cơ mất an toàn do sạt lở, lũ quét…
Hàng loạt công trình kiên cố "mọc lên" sát mép hồ, trên sườn núi ở Sóc Sơn. Ảnh: Hữu Hưng
Các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước TP và pháp luật nếu thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo dẫn tới thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng và tài sản của nhân dân.
UBND TP Hà Nội cũng giao Sở NN-PTNT Hà Nội chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các quận, huyện, thị xã, các công ty thủy lợi triển khai công tác đảm bảo an toàn công trình đê điều, hồ đập thủy lợi, nhất là các khu vực trọng điểm, xung yếu, các khu vực đã xảy ra sự cố trong thời gian gần đây, không để xảy ra sự cố bất ngờ gây thiệt hại về tính mạng của nhân dân.
Trước đó, chia sẻ về công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội) Phạm Quang Ngọc cho biết, trong 6 tháng đầu năm, huyện đã kiểm tra 478 trường hợp, phát hiện 187 trường hợp vi phạm phải lập hồ sơ xử lý, trong đó chủ yếu là ở 2 xã Minh Phú và Minh Trí (nằm trong phạm vi quy hoạch rừng phòng hộ Sóc Sơn).
Cụ thể, như ghi nhận của PV, sau 4 năm được Thanh tra TP Hà Nội chỉ rõ hàng loạt vi phạm, quanh hồ Đồng Đò vẫn có hàng loạt homestay, công trình bê tông nằm sát mép hồ, trên sườn núi. Riêng tại xóm Ban Tiện (xã Minh Phú), lũ quét xuất hiện vào ngày 4-8 đã cuốn theo hàng tấn đất đá vùi lấp nhiều ôtô dừng đỗ bên ngoài các homestay.
Tại xóm Ban Tiện khu vực xảy ra vụ sạt lở vùi lấp hàng loạt ôtô hiện đang có 5 công trình vi phạm, nằm trong phạm vi đất rừng. Trong đó, có 4 căn homestay, 1 căn nhà ở trên đồi nằm dọc 2 bên con đường bêtông.
Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cũng cho biết dự kiến trong tháng 8, 9 lực lượng chức năng sẽ tiến hành cưỡng chế phá dỡ 5 công trình vi phạm, nằm trong phạm vi đất rừng ở xóm Ban Tiện (thôn Phú Ninh, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn).
Bình luận (0)