Sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, lãnh đạo nhiều nước châu Á đã phát đi thông điệp kỳ vọng về mối quan hệ với nền kinh tế hàng đầu thế giới thời gian tới.
Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba ngày 7-11 cho biết ông đã có cuộc điện đàm với ông Trump và hai bên đồng ý gặp nhau sớm nhất có thể, cũng như sẽ cùng nhau làm việc để củng cố quan hệ.
Mỹ hiện là đối tác kinh tế và an ninh quan trọng nhất của Nhật Bản. Trong khi đó, Tokyo là đồng minh quan trọng của Washington ở châu Á, cho phép nước này duy trì sự hiện diện quân sự tại khu vực.
Trong cuộc điện đàm diễn ra cùng ngày, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và ông Trump đã thảo luận về mối quan hệ an ninh và kinh tế chặt chẽ của hai nước trên mọi lĩnh vực. Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết nước này sẽ xây dựng mối quan hệ đối tác an ninh "hoàn hảo" với chính quyền mới của Mỹ.
Trong thông điệp chúc mừng gửi đến ông Donald Trump ngày 7-11, theo đài CCTV, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lưu ý "lịch sử đã cho thấy Trung Quốc và Mỹ được hưởng lợi từ hợp tác và chịu thiệt hại từ đối đầu", cũng như nhấn mạnh hai bên phải tìm cách "hòa hợp".
Truyền thông Trung Quốc nhận định nhiệm kỳ tổng thống thứ 2 của ông Trump có thể đánh dấu một khởi đầu mới trong quan hệ Trung - Mỹ, nếu các cơ hội được trao không bị lãng phí.
Nhiều nhà lãnh đạo ở Đông Nam Á cũng chúc mừng chiến thắng của ông Donald Trump. Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. hy vọng "liên minh vững chắc" giữa Manila và Washington sẽ tiếp tục là động lực vì điều tốt đẹp, mở đường cho sự thịnh vượng và hữu nghị trong khu vực, cũng như ở cả hai bờ Thái Bình Dương.
Trong khi đó, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho rằng việc ông Trump thắng cử mang đến những cơ hội mới cho sự hợp tác và mục tiêu chung...
Giới phân tích nhận định đằng sau những thông điệp trên, nhiều nước châu Á đang chuẩn bị cho những kịch bản khó lường trong mối quan hệ với Mỹ sau khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên 2017 - 2021, nhà lãnh đạo này đã phá vỡ nhiều quy tắc lâu đời nhưng bất thành văn trong chính sách đối ngoại của Mỹ, trong lúc phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.
Trong nhiệm kỳ sắp tới, theo đài Al Jazeera, ông Trump hứa hẹn sẽ thực hiện một phiên bản còn quyết liệt hơn của tầm nhìn "Nước Mỹ trên hết" của mình.
Đáng chú ý, quan hệ giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới có thể xấu thêm nếu ông Trump hiện thực hóa kế hoạch áp thuế ít nhất 60% lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Ngoài kế hoạch đối với Trung Quốc, ông còn đề xuất áp mức thuế chung từ 10%-20% đối với tất cả hàng hóa nước ngoài. Các biện pháp này sẽ ảnh hưởng đến các nền kinh tế dựa vào xuất khẩu tại châu Á.
Công ty Tư vấn Oxford Economics (Anh) ước tính khu vực châu Á (không tính Trung Quốc) sẽ chứng kiến xuất khẩu và nhập khẩu giảm lần lượt 8% và 3% theo phiên bản thận trọng nhất trong các kế hoạch của ông Trump.
Dù vậy, một số quốc gia có thể tiếp tục hưởng lợi từ sự chuyển hướng thương mại khi các công ty có nhà máy ở Trung Quốc tìm cách đa dạng hóa dây chuyền sản xuất để tránh mức thuế nhập khẩu cao của Mỹ.
Một số chuyên gia thúc giục các lãnh đạo doanh nghiệp châu Á cần bắt đầu lập kế hoạch cho mọi kịch bản có thể xảy ra vì cho rằng ông Donald Trump sẽ hành động nhanh chóng về thương mại sau khi nhậm chức.
Bình luận (0)