Cuối ngày 7-5, giá vàng miếng SJC được Công ty SJC niêm yết mua vào 85,3 triệu đồng/lượng, bán ra 87,5 triệu đồng/lượng, tăng tổng cộng 1 triệu đồng/lượng so với hôm trước.
Do giá biến động mạnh nên các doanh nghiệp bán ra vàng SJC có sự khác biệt. Công ty PNJ, Bảo Tín Minh Châu bán ra vàng miếng 87,4 triệu đồng/lượng trong khi DOJI bán ra 86,8 triệu đồng/lượng.
Giá vàng miếng nhảy vọt và duy trì mức cao so với đà tăng của giá vàng nhẫn và thế giới. Giá vàng nhẫn được giao dịch quanh 73,5 triệu đồng/lượng mua vào, 75,2 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 400.000 đồng so với hôm trước.
Trong khi đó, trên thị trường quốc tế kim loại quý được giao dịch quanh 2.315 USD/ounce, tăng nhẹ so với phiên trước. Hiện giá vàng thế giới quy đổi theo tỉ giá niêm yết khoảng 71 triệu đồng/lượng, thấp hơn vàng SJC tới 87,5 triệu đồng/lượng.
Theo các doanh nghiệp, nhu cầu vàng miếng không tăng mạnh nhưng do nguồn cung hạn chế và thị trường kỳ vọng giá còn tăng tiếp trong dài hạn nên chấp nhận mua với giá cao.
Trong một diễn biến khác, nhằm triển khai các giải pháp bình ổn thị trường vàng, xử lý tình trạng chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới ở mức cao, dự kiến sáng mai 8-5, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tổ chức đấu thầu bán vàng miếng. Tổng khối lượng vàng miếng dự kiến đấu thầu là 16.800 lượng. Tỉ lệ đặt cọc là 10% với giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc là 85,3 triệu đồng/lượng.
Một thông tin đáng chú ý là khối lượng đấu thầu tối thiểu của mỗi thành viên được phép đặt thầu là 7 lô (tương đương 700 lượng). Mỗi thành viên được phép đặt thầu tối đa 20 lô và chỉ được đăng ký 1 mức giá tối thiểu bằng hoặc cao hơn giá sàn do Ngân hàng Nhà nước công bố.
Như vậy, khối lượng đấu thầu tối thiểu của mỗi thành viên đã giảm một nửa so với mức tối thiểu 1.400 lượng trước đây. Điều này, theo các chuyên gia, sẽ góp phần thu hút nhiều thành viên tham gia đấu thầu nhằm có thêm nguồn cung vàng miếng cho thị trường.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, chuyên gia vàng Trần Duy Phương nhận định việc quy định khối lượng đấu thầu tối thiểu của mỗi thành viên khoảng 500-700 lượng sẽ hấp dẫn và thu hút nhiều đơn vị tham gia. Bởi với khối lượng tối thiểu của 4 phiên trước Ngân hàng Nhà nước yêu cầu 1.400 lượng là rất lớn so với quy mô giao dịch vàng mỗi ngày của các công ty vàng lớn và cả ngân hàng thương mại.
Trong bối cảnh giá vàng thế giới biến động mạnh hàng ngày, việc phải đấu thầu tối thiểu 1.400 lượng là rất rủi ro nên khó thu hút đơn vị tham gia.
Đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã công bố 4 phiên đấu thầu nhưng có tới 3 phiên không thành công, chỉ một phiên bán ra 3.400 lượng vàng cho 2 đơn vị tham gia trúng thầu.
Bình luận (0)