Ngày 4-9, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Thái Nguyên cho biết đang tập trung hướng dẫn thực hiện các biện pháp chống dịch tại Trường Cao đẳng Công nghiệp Thái Nguyên.
Theo đó, CDC thực hiện cách ly toàn bộ học sinh tại 3 phòng ký túc xá có bệnh nhân tử vong và nhập viện, đảm bảo cung cấp suất ăn hàng ngày tại phòng. Tổ chức thực hiện lau sàn nhà, tay nắm cửa, cầu thang... bằng dung dịch khử khuẩn thông thường. Bên cạnh đó, tổ chức thông báo đến học sinh tự theo dõi sức khỏe và thông tin khi có dấu hiệu bất thường (gồm 1.102 học sinh, trong đó có 486 em ở nội trú ký túc xá).
Ngoài ra, Sở Y tế, CDC Thái Nguyên và Trung tâm Y tế TP Thái Nguyên phối hợp với Trường Cao đẳng Công nghiệp Thái Nguyên tổ chức các biện pháp phòng ngừa tại nhà trường, theo dõi sức khỏe và chăm sóc các điều kiện sinh hoạt cho học sinh.
Trung tâm Y tế TP Thái Nguyên đã điều Đội cấp cứu cơ động gồm 1 bác sĩ, 2 điều dưỡng, xe cấp cứu, cùng thuốc và các phương tiện cấp cứu ứng trực tại Trường Cao đẳng Công nghiệp Thái Nguyên để hỗ trợ học sinh trong các trường hợp có diễn biến mới.
Liên quan đến trường hợp em V.M.C. (SN 2008, quê ở xã Sủng Trà, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, là học sinh Trường CĐ Công nghiệp Thái Nguyên), được bệnh viện cho về nhà trong tình trạng tiên lượng xấu, ông Nguyễn Đức Hạnh, Chủ tịch UBND xã Sủng Trà, cho biết em C. đã tử vong khi được đưa về nhà vào 20 giờ ngày 2-9.
Như Báo Người Lao Động đã đưa tin, vào 20 giờ ngày 29-8 em V.M.C. nhập viện trong tình trạng đau bụng, nôn. Đến 7 giờ 45 phút ngày 30-8, em C. rơi vào tình trạng lơ mơ, hôn mê, được chẩn đoán theo dõi viêm màng não/viêm túi mật/polip túi mật.
Chiều 30-8, em C. có biểu hiện viêm cơ tim cấp nên được chỉ định mở nội khí quản, lọc máu, đặt nội khí quản, thở máy, được chẩn đoán chuyển hóa, suy đa tạng/suy tim cấp/viêm cơ tim/viêm gan B, tiên lượng rất xấu. Đến 12 giờ 30 phút ngày 31-8, gia đình đã xin cho em C. về nhà.
2 trường hợp khác quê cũng ở huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, trong đó một em có biểu hiện đau bụng, tức ngực, sốt nhẹ nhập viện sáng 1-9, sau đó gia đình đã xin chuyển điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Em còn lại nhập viện sáng 2-9, có biểu hiện co giật, đã được điều tra, lấy mẫu gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để xét nghiệm bạch hầu và viêm màng não, hiện chưa có kết quả. Hiện sức khỏe của hai em ổn định, tự ăn uống, đi lại được.
Đến chiều tối 2-9, có thêm 10 học sinh khác của trường có một hoặc một vài biểu hiện như sốt, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn cũng đã được chuyển đến Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên để theo dõi, điều trị. Test nhanh cúm A/B, cả 10 em đều âm tính, không thấy hình ảnh bất thường trên phim chụp X-quang, các xét nghiệm khác chưa có kết quả. Hiện, sức khỏe của 10 em đều ổn định, tinh thần tỉnh táo, tiếp xúc tốt.
Do chưa có kết quả xét nghiệm đối với các trường hợp này nên ngành y tế chưa xác định được đây có phải là dịch bệnh truyền nhiễm hay không. Chiều 3-9, sau khi nghe các đơn vị liên quan báo cáo về tình hình các ca bệnh tại cuộc họp, ông Đặng Xuân Trường, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thái Nguyên, yêu cầu Sở Y tế tổng hợp tình hình, việc điều trị cho học sinh bị bệnh, các giải pháp phòng, chống dịch báo cáo Thường trực Tỉnh ủy. Các cơ quan chuyên môn sớm làm rõ các nguyên nhân dẫn đến nhiều học sinh cùng nhập viện, trong đó có việc kiểm tra mẫu thức ăn. Phó Chủ tịch tỉnh Thái Nguyên cũng đồng ý với đề xuất của các sở, ngành đề nghị Trường Cao đẳng Công nghiệp Thái Nguyên lùi ngày nhập học sau 1 tuần nữa, để khi có kết quả xét nghiệm nếu không phải là bệnh truyền nhiễm thì cho học sinh đi học bình thường.
Bình luận (0)