xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thông tuyến bảo hiểm y tế đến đâu?

VĂN DUẨN - MINH CHIẾN

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần thông tuyến bảo hiểm y tế toàn quốc, song không nên bỏ giấy chuyển tuyến...

Chiều 24-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, các đại biểu thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT); Luật Dữ liệu.

Đề xuất thông tuyến toàn quốc

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho biết sau hơn 15 năm thi hành, Luật BHYT đã bộc lộ nhiều bất cập do sự thay đổi của đời sống xã hội.

Theo ông Trí, chúng ta đang sử dụng BHYT như một "barie" để chống quá tải tuyến trên song giải pháp này vừa mang lại hiệu quả không cao vừa tạo ra sự bất bình đẳng. Do đó, đại biểu Trí kiến nghị dự thảo luật cần tập trung tổ chức lại hệ thống y tế để người dân có thể đến được chỗ khám chữa bệnh nhanh nhất, tốt nhất có thể.

Dự thảo luật lần này đề xuất bỏ thủ tục chuyển tuyến đối với một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... để giảm gánh nặng cho người dân và tiết kiệm chi phí cho quỹ BHYT. Đồng tình, song đại biểu Lê Quân (Hà Nội) đề xuất bổ sung nhóm đối tượng là người nghèo, cận nghèo.

"Bệnh nhân ở tuyến xã chuyển lên tuyến huyện đã tốn kém rồi, lên đến tuyến trung ương để khám là điều không ai mong muốn. Cần mở rộng cho nhóm đối tượng này được chuyển lên tuyến trên mà không cần thực hiện thủ tục chuyển tuyến để được hưởng BHYT" - đại biểu Lê Quân góp ý.

Đại biểu Nguyễn Tri Thức - Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) - hoàn toàn đồng ý với đề xuất thông tuyến toàn quốc, không giới hạn địa bàn tham gia BHYT. Chẳng hạn, người bệnh đăng ký chữa bệnh ban đầu ở Hà Nội nhưng đi công tác ở TP HCM thì vẫn có thể khám bệnh ban đầu và được thanh toán đầy đủ quyền lợi BHYT theo tỉ lệ phần trăm mức hưởng của thẻ, bao gồm cả nội và ngoại trú.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tri Thức - Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) - cho rằng chỉ nên bỏ giấy chuyển tuyến khi khám ban đầu ở cấp cơ sở. Ảnh: VĂN DUẨN

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tri Thức - Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) - cho rằng chỉ nên bỏ giấy chuyển tuyến khi khám ban đầu ở cấp cơ sở. Ảnh: VĂN DUẨN

Liên quan đề nghị bỏ giấy chuyển tuyến trong BHYT, bác sĩ Nguyễn Tri Thức cho rằng chỉ nên bỏ giấy chuyển tuyến khi khám ban đầu ở cấp cơ sở, còn khi chuyển từ cấp ban đầu lên cấp chuyên sâu thì phải có. Bởi lẽ, nếu bỏ hẳn giấy chuyển tuyến sẽ xảy ra tình trạng bệnh nhân ồ ạt lên bệnh viện tuyến chuyên sâu để khám chữa bệnh mà không ở tuyến ban đầu. Như vậy, sau 1-2 năm sẽ triệt tiêu hệ thống y tế cơ sở vì không có bệnh nhân và không có kinh phí để trang trải. Điều này đi ngược với chủ trương phát triển hệ thống y tế cơ sở; gây quá tải cho bác sĩ, nhân viên y tế tuyến trên.

"Với một ca mổ hạng đặc biệt kéo dài 6-8 giờ, mỗi ngày bệnh viện chỉ bố trí bác sĩ mổ 1 ca, chứ không cho mổ ca thứ 2. Nếu mổ ca thứ 2 thì nguy cơ tai biến cho bệnh nhân mổ là rất cao. Mỗi bác sĩ cũng chỉ khám 20 bệnh nhân/ngày, nếu bỏ chuyển tuyến thì có thể có tới 200 bệnh nhân chờ khám, thì không bác sĩ nào khám nổi, sẽ vỡ trận" - ông Thức lo ngại.

Tăng tỉ lệ bao phủ BHYT cho người cao tuổi

Đại biểu Trương Xuân Cừ, Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội, dẫn số liệu cho thấy đến nay đã có 93,35% dân số tham gia BHYT nhưng nhóm người cao tuổi mới đạt 85%.

Theo ông Cừ, đây là vấn đề cần quan tâm khi tuổi thọ người Việt Nam đang tăng nhưng sức khỏe của người cao tuổi lại không thực sự tốt. Do đó, nếu tỉ lệ bao phủ BHYT với người cao tuổi không tăng sẽ là gánh nặng cho bản thân và gia đình. Ông đề xuất người từ 70 tuổi trở lên được ngân sách nhà nước đóng BHYT thay vì quy định từ 75 tuổi trở lên như hiện nay; riêng với hộ nghèo, đề xuất từ 65 tuổi trở lên được hưởng chính sách này.

"Mục tiêu của chúng ta là phủ BHYT toàn dân. Nếu luật không sửa đổi để tăng tỉ lệ bao phủ BHYT cho người cao tuổi thì các chính sách với người cao tuổi chưa được rõ ràng" - ông Cừ nhận xét.

Để khuyến khích người dân đóng BHYT, đại biểu Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, đề xuất có sự phân hạng, phân tầng đối với BHYT. Ví dụ, người đóng BHYT 10 năm thì được hưởng khác với người đóng 20 năm, hay đóng nhiều tiền sẽ hưởng mức BHYT cao. 

Quy định rõ thẩm quyền khai thác dữ liệu

Theo dự thảo Luật Dữ liệu do Bộ Công an chủ trì xây dựng - được trình Quốc hội lần đầu tại kỳ họp này, cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia được Chính phủ xây dựng và quản lý tập trung, thống nhất tại Trung tâm Dữ liệu quốc gia.

Đại biểu Hoàng Văn Cường đánh giá hiện nguồn dữ liệu rất lớn, có độ bao phủ rộng. Do đó, đề xuất mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh, bao gồm cả dữ liệu cá nhân, bên cạnh nguồn dữ liệu phi cá nhân đã được đề cập tại dự thảo luật.

Theo đại biểu Cường, cần quy định rõ dữ liệu cá nhân nào được khai thác, dữ liệu nào không được phép; quy định rõ thẩm quyền khai thác, tiếp cận và cung cấp các loại dữ liệu; cấm hành vi "cố tình không cung cấp dữ liệu" để chặn tình trạng bộ, ngành, cơ quan muốn giữ nguồn dữ liệu riêng mà không muốn hòa vào cơ sở dữ liệu chung.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo