Đến hết tháng 11-2023, TP HCM giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 45%, trong khi mục tiêu đề ra năm nay là giải ngân từ 95% trở lên. Đây là thách thức rất lớn.
Biết làm, dám quyết
Hơn nửa chặng đường phát động thi đua 60 ngày đêm giải ngân đầu tư công (tính từ ngày 30-10), có 8 quận, huyện (quận 1, 4, 8, 10, Gò Vấp, Phú Nhuận, huyện Củ Chi và Bình Chánh) được thư khen của chủ tịch UBND TP HCM vì thực hiện hiệu quả. Trong đó, có địa phương đạt tỉ lệ giải ngân gần như tuyệt đối: 99%.
Điểm sáng trong giải phóng mặt bằng đó là khi chính quyền địa phương xác định rõ mục tiêu, có sự chuẩn bị kỹ, lãnh đạo tích cực, vướng khâu nào có người tháo gỡ, đề xuất giải quyết các trường hợp vượt thẩm quyền, đã cho thấy kết quả đạt mục tiêu kỳ vọng.
Có mặt bằng mới triển khai thi công, không chỉ sự kỳ vọng hoàn thiện cơ sở hạ tầng, giải quyết dân sinh mà còn làm vốn mồi dẫn dắt đầu tư xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế.
Nhìn nhận một cách khách quan, mỗi dự án có quy mô lớn thường liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị.
Một số nơi quản lý lại ban hành các thủ tục, hướng dẫn muốn thuận lợi cho nơi mình nên còn những chồng chéo, vướng mắc nhất định dẫn đến kéo dài thời gian.
Nếu người có thẩm quyền biết làm, dám quyết sẽ hạn chế các văn bản qua lại hỏi ý kiến và chờ.
Cán bộ thụ lý giải quyết nếu thấy hồ sơ chưa đầy đủ sẽ yêu cầu bổ sung, sai sót sẽ tìm cách tốt nhất và góp ý khắc phục sớm thông qua.
Chờ chỉ đạo, lo sợ trách nhiệm, đùn đẩy công việc, trì hoãn giải quyết thủ tục thì tất nhiên sẽ chọn khâu dễ dàng nhất là trả hồ sơ về làm lại từ đầu hoặc có văn bản hỏi ý kiến nơi khác.
Đó là chưa nói đến năng lực cán bộ hạn chế thì thấy gì cũng sợ, không dám làm.
Cuộc sống đặt ra tình huống thực tế, pháp luật không thể bao quát hết. Vậy nên, cấp thẩm quyền, cán bộ, người thụ lý hồ sơ cần có giải pháp thấu tình đạt lý để đạt được mục tiêu đặt ra.
Cụ thể với các dự án trọng điểm là hiệu quả đầu tư chứ không phải là làm sao chứng minh hoặc thể hiện cho thấy ý kiến, lập luận bên nào vững chắc hơn.
Làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm túc
Phải thừa nhận với nhiều thủ tục hiện nay khá rối rắm, quản lý kiểm soát quá chặt đầu vào có những khâu không cần thiết.
Nên chăng thay đổi cách quản lý, thủ tục đầu vào chỉ nhằm dự trù chi phí, khi triển khai theo hướng kiểm soát đầu ra là chất lượng và giá cả. Tổ chức đấu thầu, đấu giá cạnh tranh sao cho công bằng làm cơ sở thanh toán.
Tiến độ hạng mục, công việc nào bị chậm so với kế hoạch trong dự án thì phạt, từ chối thanh toán sản phẩm không đạt chất lượng.
Tránh tái diễn tình trạng đầu tư công "lẹt đẹt" trong những tháng đầu năm và phải làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm các tổ chức, cá nhân, địa phương, đơn vị nào, công trình nào và phải xử lý trách nhiệm nghiêm túc.
Nên ràng buộc lộ trình giải ngân và chi tiêu công theo quý, không chỉ tập trung vào cuối năm. Mỗi quý, nơi nào không đạt yêu cầu, thủ trưởng cùng cá nhân liên quan bị kiểm điểm trách nhiệm. Cuối năm, tổng kết làm cơ sở xét thi đua.
Vướng giải phóng mặt bằng hầu như được cho là khách quan, song vấn đề này có thể lường trước và hạn chế rủi ro nếu cơ quan chức năng xét duyệt soi vào khả năng hấp thụ vốn thực tế để phân bổ phù hợp hơn, cương quyết từ chối đối với các hạng mục công việc thiếu khả thi.
Nên có cơ chế giám sát, kịp thời chấn chỉnh và quy trách nhiệm cụ thể cho người đứng đầu chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị để hạn chế các lý do khách quan được nêu ra.
Đó còn là cách thôi thúc tính tự giác trong rà soát các dự án có bố trí vốn. Phải kịp thời báo cáo trở ngại, đề xuất hướng giải quyết, chủ động tìm giải pháp tháo gỡ nhằm giải ngân vốn đầu tư công, chi trả tiền bồi thường và hỗ trợ một cách nhanh nhất cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án.
Quản lý hành chính công chẳng khác mấy so với quản lý lĩnh vực tư nhân. Muốn hiệu quả phải chú trọng vấn đề nhân sự tiến thân qua cạnh tranh lành mạnh.
Hằng năm có đánh giá khách quan và thực chất để sa thải những người quá yếu kém, tuyển dụng người giỏi để có năng suất cao. Nhân tố này còn giúp tinh giản biên chế nhà nước hiệu quả, cải thiện bộ mặt các cơ quan công quyền trong mắt người dân và doanh nghiệp.
Thông vốn trên thị trường
Thúc đẩy phát triển kinh tế, giải ngân vốn đầu tư và chi tiêu công là 2 trụ cột được TP HCM đề ra từ đầu năm nhưng đến nay đều chưa đạt kỳ vọng.
Ngoài gỡ khó cho 2 nút thắt này, cần thêm giải pháp đồng bộ thông vốn trên thị trường tạo sức lan tỏa lớn hơn.
Chẳng hạn quyết liệt tháo gỡ trở ngại pháp lý cho các dự án tư nhân, doanh nghiệp bất động sản bởi không ít trường hợp có tiền nhưng không thể triển khai vì vướng thủ tục.
Bên cạnh đó, khai thông vốn cho thị trường chứng khoán, trái phiếu và tận dụng dư địa tín dụng còn nhiều nhưng doanh nghiệp khó vay được, bởi kèm theo các điều kiện bảo đảm tài sản thế chấp cho khoản vay, chứng minh lợi nhuận, hợp đồng kinh tế...
Trong khi đó, với các doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh đang vượt qua khó khăn để chứng minh điều kiện trong bối cảnh bình thường quả thật rất hiếm hoi.
TP HCM được áp dụng cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 98, có thể xem xét lồng ghép tháo gỡ các trở ngại liên quan trong bối cảnh đặc biệt cũng cần có giải pháp đặc biệt.
Bình luận (0)