Cục Quản lý Dược vừa có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố thông báo về việc đình chỉ lưu hành và thu hồi 9 sản phẩm mỹ phẩm thuộc Công ty TNHH Thương mại Tổng hợp và Dịch vụ Linh Anh (huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ). Đây là các sản phẩm sữa rửa mặt, kem chống nắng, kem làm trắng da…

2 trong số các sản phẩm mỹ phẩm vừa bị thu hồi. Ảnh: Internet
Quyết định được đưa ra dựa trên kết quả kiểm tra từ báo cáo của Sở Y tế tỉnh Phú Thọ. Các sản phẩm bị thu hồi do có công thức không đúng như hồ sơ đã công bố, có nhãn ghi công dụng không phù hợp với hồ sơ công bố.
Trong số các sản phẩm bị thu hồi, Zunya Shiny Facial Cleanser và Zunya Collagen 3D Perfect Whitening Cream Make up bị phát hiện có công thức và nhãn ghi công dụng không đúng với hồ sơ công bố.
7 sản phẩm còn lại gồm Zunya Nano Collagen Whitening Day Cream SPF 50+++; Zunya Serum Nano Collagen 3D Spot Whitening; Zunya Cleansing Water; Zunya Steam Cell Serum; Zunya Pure Clean Peeling Gel; Zunya Essence Suncream SPF 50+/PA+++ UVA/UVB Protection; và Sakenzin Whitingday Cream đều bị thu hồi vì lý do nhãn công dụng không thống nhất với hồ sơ đã đăng ký.
Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các địa phương thông báo cho các cơ sở kinh doanh, người mua... tạm dừng ngay việc lưu hành, sử dụng 9 sản phẩm trên và hoàn trả chúng về nơi cung ứng. Các sản phẩm vi phạm cần được thu hồi và xử lý theo quy định hiện hành.
Phía công ty Linh Anh phải gửi thông báo thu hồi tới các điểm phân phối, sử dụng,..., sau đó tiếp nhận sản phẩm trả lại.

Bộ Y tế đề nghị tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh mỹ phẩm
Cách đây ít ngày, Cục Quản lý dược cũng yêu cầu đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy toàn bộ lô sản phẩm dầu gội Hanayuki Shampoo vì không đạt chất lượng. Sản phẩm do công ty của vợ chồng Đoàn Di Băng đưa ra thị trường.
Cuối tháng 4 vừa qua, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã có công văn đề nghị các đơn vị tập trung kiểm tra hoạt động kinh doanh mỹ phẩm trên sàn giao dịch thương mại điện tử, nền tảng mạng xã hội TikTok, Facebook... nhằm phát hiện, xử lý việc sản xuất, kinh doanh trái phép, nghi ngờ giả.
Theo Cục Quản lý dược, kiểm tra thời gian qua đã phát hiện một số cá nhân, tổ chức có vi phạm trong quá trình sản xuất, kinh doanh, quảng cáo mỹ phẩm.
Ngoài ra, theo thông tin phản ánh, trên các trang thông tin điện tử của doanh nghiệp, sàn giao dịch thương mại điện tử và nền tảng mạng xã hội (Facebook, TikTok, Zalo, YouTube...) có tình trạng kinh doanh sản phẩm mỹ phẩm là hàng xách tay, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm, có dấu hiệu tiêu thụ sản phẩm mỹ phẩm nhập lậu và trốn thuế.

Mỹ phẩm được livestream bán hàng trên mạng
Bộ Y tế nhấn mạnh các tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm cần bị xử lý, xử phạt nghiêm theo quy định; thu hồi và tiêu hủy toàn bộ các loại mỹ phẩm nghi ngờ giả, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, không đạt chất lượng, không an toàn cho người tiêu dùng.
Đồng thời, chuyển hồ sơ tới cơ quan điều tra để xử lý hình sự theo quy định nếu có dấu hiệu tội phạm.
Bình luận (0)