Từng thi trượt liên tiếp 3 trường chuyên (chuyên Khoa học tự nhiên, Hà Nội - Amsterdam và chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội), lên bậc THPT dù đỗ vào một trường công lập “top” đầu của Hà Nội nhưng sức học chỉ làng nhàng nên Đức Anh từng rất tự ti về bản thân.
Thủ khoa từng có kết quả thấp nhất lớp
Thủ khoa đầu ra ngành y khoa chia sẻ: “Năm lớp 10 và 11, có học kỳ cả lớp đều đạt học sinh giỏi, chỉ riêng mình em xếp loại học sinh tiên tiến. Em rất hiểu sự trăn trở của bố mẹ nhưng bố mẹ luôn động viên và hiếm khi trách móc hay gây áp lực về điểm số”.
Năm 2018, khi đặt nguyện vọng 1 vào Trường ĐH Y, Đức Anh cho biết em đạt 24,9 điểm khối B00, chỉ thừa 0,15 để trúng tuyển ngành Y khoa. Điều này cũng khiến nam sinh cảm thấy tự ti khi đa phần các bạn cùng khóa đến từ các trường chuyên trên cả nước, là những học sinh giàu thành tích, đạt nhiều giải thưởng.
Học y mà lười đọc thì không thể theo được. Sợ rằng mình sẽ bị “tụt hậu”, không theo kịp các bạn nên khi vào học Đức Anh đã nỗ lực học tập rất nhiều. Vượt qua chính mình, ngay học kỳ I, Đức Anh đã giành được “Học bổng khuyến khích học tập” của trường. Nhờ vậy, nam sinh nhận ra rằng dù các bạn xuất sắc hơn nhưng khi đặt chân vào ngành y, tất cả mọi người đều cùng một điểm xuất phát, đều phải cố gắng và nỗ lực như nhau.
"Việc giành học bổng đã khiến mình dám tin mình học giỏi, từ đó hành động, suy nghĩ và nỗ lực đúng như người học giỏi trong trí tưởng tượng"- Đức Anh nói.
Đây chính là bước ngoặt, động lực để nam sinh 2x thay đổi suy nghĩ, hành động và nỗ lực và trở thành thủ khoa “đầu ra” ngành y khoa - ngành học đào tạo bác sĩ đa khoa, sau 6 năm học.
Với Đức Anh, điểm cao nhất không có nghĩa là mình giỏi nhất mà chỉ là mình may mắn hơn trong chuyện thi cử. Chia sẻ về mấu chốt để đạt điểm cao trước mỗi kỳ thi, theo Đức Anh, không cần học thâu đêm suốt sáng, học đêm học ngày nhưng nhất định phải có kỷ luật học tập và luôn chủ động tự tổng hợp kiến thức.
Theo tân bác sĩ Đức Anh, khó khăn lớn nhất của sinh viên y là khối lượng kiến thức quá nhiều, do đó cách ghi chép và lưu giữ kiến thức rất quan trọng. Ngoài ra, bí quyết của Đức Anh còn là “thắc mắc thật nhiều”, Đức Anh cho rằng học lâm sàng là cách để học tốt và vượt qua mỗi kỳ thi với điểm số cao.
“Em luôn trân trọng mỗi buổi học lâm sàng vì cho rằng ngoài kiến thức, các bác sĩ tương lai còn được truyền cảm hứng từ các thầy cô tại bệnh viện. Khi tiếp xúc người bệnh, chúng em thấy mình cần phải học nhiều hơn nữa để có thể sau này có thể cứu chữa người bệnh”- Đức Anh chia sẻ.
Không chỉ tập trung nghe giảng trên lớp, nam sinh còn đọc tài liệu tiếng Anh, mượn sách vở từ anh chị đi trước rồi tự tổng hợp kiến thức bằng cách gạch đầu dòng những ý chính và từ khóa quan trọng để ghi nhớ. Đây cũng là kỹ năng nam sinh này luôn tự nhủ phải cố gắng hoàn thiện.
Sau khi làm quen dần với môi trường đại học, Đức Anh cho rằng sở thích cá nhân cũng như việc có những người bạn thân thiết chính là một phần quan trọng không thể thiếu trong quãng đời sinh viên nói chung và việc học nói riêng.
Nam sinh tham gia câu lạc bộ tiếng Anh và dành nhiều thời gian cho các sở thích cá nhân như nghe nhạc sống, chơi thể thao hay ngồi trà đá cổng trường hàn huyên cùng bạn bè… Năm ngoái, Đức Anh đã thi đạt chứng chỉ tiếng Anh IELTS 8.0.
Ước mơ trở thành bác sĩ nội trú ung thư
Tân bác sĩ này chia sẻ học y là học cả đời. Dù thời gian học y dài hơn nhiều so với học các ngành khác nhưng 6 năm học ngành y khoa có lẽ là khoảng thời gian nhàn nhất so với việc học lên các bậc học cao hơn hay đi làm ở bệnh viện.
“Dù biết con đường phía trước còn nhiều vất vả nhưng anh trai em là người đi trước đã cho em niềm tin, giúp em dám theo đuổi ngành y, dám chấp nhận sự vất vả và luôn tự hào với lựa chọn của mình”- Đức Anh kể.
Sau khi tốt nghiệp thủ khoa của Trường ĐH Y Hà Nội, Đức Anh tiếp tục dồn sức ôn luyện cho kỳ thi tuyển bác sĩ nội trú vào đầu tháng 8 vừa qua.
Thủ khoa “đầu ra” chia sẻ mong muốn của cậu là trở thành bác sĩ nội trú chuyên ngành ung thư bởi trong quá trình học Đức Anh cảm nhận được sự vất vả và khó khăn của người bệnh cũng như được truyền cảm hứng rất nhiều từ thầy cô, sự định hướng của gia đình.
Hơn nữa, ngày nay tỉ lệ mắc các bệnh ung bướu ngày càng gia tăng, tỉ lệ phát hiện bệnh sớm còn thấp nên tân bác sĩ này chỉ mong mình có thể đóng góp một phần công sức trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về sàng lọc phát hiện bệnh sớm khi còn nhiều cơ hội điều trị, nâng cao hiệu quả điều trị và giảm phần nào gánh nặng, cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân ung thư.
Bình luận (0)