Theo Space.com, kính viễn vọng không gian mạnh nhất James Webb vừa khám phá một bí mật mới từ siêu tân tinh 1987A - vật thể rực sáng là "đống đổ nát" của một vụ nổ sao, từng trút cơn mưa "hạt ma quỷ" neutrino xuống Trái Đất năm 1987.
Giữa vùng hỗn độn ấy, một sao neutron vừa hiện hình.
Sao neutron là một trong những vật thể cực đoan nhất vũ trụ, có từ trường mạnh hơn Trái Đất hàng ngàn đến hàng triệu lần. Chúng là "thây ma" của những ngôi sao khổng lồ.
Vì vậy, phát hiện mới của James Webb đã cung cấp hình ảnh trực tiếp về quá trình một "thây ma" ra đời.
Siêu tân tinh 1987A từng là một ngôi sao khổng lồ khi còn "sống". Lúc cạn kiệt năng lượng, ngôi sao sẽ tiến đến cái chết bằng cách bùng nổ thành siêu tân tinh, khi lõi sao sụp đổ.
Lúc đó, năng lượng kinh khủng từ lõi sao sẽ xé toạc các lớp bên ngoài, thổi bay chúng. Chính quá trình này làm giàu hóa học cho vũ trụ bởi hạt nhân các ngôi sao là nơi rèn ra các nguyên tố nặng.
Ngoài ra, nó cũng cung ứng các nguyên tố cốt lõi quan trọng khác cho các hành tinh như carbon, oxy, silic, sắt...
Song song đó, một phần nhỏ của ngôi sao sẽ co cụm lại sau vụ nổ, tạo thành một "thây ma" tuy nhỏ nhưng giàu năng lượng.
Các ngôi sao khổng lồ nhất vũ trụ sẽ tạo ra sao neutron. Trong khi đó, các ngôi sao chỉ "hơi lớn" như Mặt Trời của chúng ta hay nhỏ hơn sẽ tạo ra sao lùn trắng.
Như vậy, sao neutron mà James Webb vừa chụp được đã ẩn náu trong suốt 37 năm kể từ vụ nổ sao.
Theo nhà thiên văn học Mike Barlow từ University College London (UCL - Anh) - thành viên nhóm nghiên cứu, máy quang phổ MIRI và NIRSpec của James Webb đã ghi nhận các vạch phát xạ argon và lưu huỳnh bị ion hóa mạnh từ chính tâm của tinh vân bao quanh siêu tân tinh 1987A.
Đó là bằng chứng trực tiếp về nguồn bức xạ ion hóa ở trung tâm. Các dữ liệu chỉ có thể phù hợp với thứ duy nhất: Sao neutron.
Phát hiện này vừa được nhóm nghiên cứu đa quốc gia công bố trên tạp chí khoa học Science.
Bình luận (0)