Đổi mới cơ chế tài chính, thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế là một trong những nội dung trọng tâm đang được Bộ Y tế triển khai. Phóng viên Báo Người Lao Động đã đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận xung quanh vấn đề này.
- Phóng viên: Thưa thứ trưởng, dự kiến năm 2024 Bộ Y tế sẽ phối hợp với các bộ ngành kết cấu thêm các chi phí còn lại vào giá dịch vụ khám chữa bệnh. Vậy giá dịch vụ y tế tới đây sẽ được điều chỉnh như thế nào?
Giá dịch vụ y tế được tính phí sao?
+ Thứ trưởng Lê Đức Luận: Theo quy định của Chính phủ, giá dịch vụ y tế công nói chung và giá dịch vụ y tế nói riêng bao gồm 4 yếu tố chi phí: (1) chi phí trực tiếp; (2) tiền lương; (3) chi phí quản lý và (4) khấu hao tài sản.
Giá dịch vụ y tế hiện nay (thực hiện theo Thông tư 21, 22/2023/TT-BYT ngày 17/11/2023) đã tính 2 yếu tố, (1) chi phí trực tiếp và (2) tiền lương theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng; chưa tính yếu tố (3) chi phí quản lý và (4) khấu hao tài sản cố định, chi phí khác.
Căn cứ lộ trình giá dịch vụ sự nghiệp công quy định tại Nghị định 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về lộ trình giá dịch vụ khám bệnh chữa bệnh, hiện Bộ Y tế đang triển khai việc rà soát, sắp xếp danh mục dịch vụ kỹ thuật và xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật theo danh mục dịch vụ kỹ thuật mới đồng thời đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Ban Chỉ đạo Điều hành giá cho phép thực hiện lộ trình giá (tính tiếp 2 yếu tố chi phí quản lý và khấu hao vào giá) theo hướng phù hợp với mức đóng, khả năng cân đối quỹ BHYT; dự kiến năm 2024 sẽ tính tiếp chi phí quản lý vào giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh;
Từ năm 2025 trở đi, sau khi đánh giá tác động cụ thể Bộ Y tế sẽ đề xuất từng bước kết cấu chi phí khấu hao vào giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.
Tuy vậy, việc thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh cần thận trọng, có lộ trình, phải đánh giá chỉ số CPI để vừa điều chỉnh được giá nhưng vẫn thực hiện được mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không gây xáo trộn, thúc đẩy lộ trình BHYT toàn dân.
Việc điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh cũng cần căn cứ khả năng chi trả của người dân, khả năng cân đối quỹ BHYT. Vì vậy, quá trình thực hiện Bộ Y tế sẽ phối hợp với các bộ/ngành để báo cáo Chính phủ việc triển khai thực hiện và đề xuất thời điểm điều chỉnh giá dịch vụ y tế cho phù hợp.
- Việc tính đúng tính đủ giá dịch vụ khám chữa bệnh thì viện phí dự tính sẽ tăng khoảng bao nhiêu phần trăm?
+ Bộ Y tế đã khảo sát sơ bộ và tính toán, dự kiến nếu tính tiếp chi phí quản lý vào giá thì tỉ lệ tăng bình quân của giá dịch vụ khám bệnh chữa bệnh là 4%, chi quỹ BHYT tăng khoảng 2.180 tỉ đồng/năm.
Quỹ BHYT có khả năng cân đối (do có kết dư từ các năm trước và số thu tăng do điều chỉnh lương cơ sở 1,8 triệu đồng).
Nếu tính tiếp khấu hao vào giá theo số liệu 2022 về cơ cấu tài sản cố định tại các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế, nếu tính khấu hao vào giá dịch vụ khám bệnh chữa bệnh thì tỉ lệ tăng bình quân của giá dịch vụ tăng khoảng 22,8%, chi quỹ BHYT tăng khoảng 12.066 tỉ đồng.
Theo số liệu quyết toán chi BHYT, cơ cấu thanh toán chi phí khám chữa bệnh có tỉ lệ như sau: thanh toán theo giá dịch vụ khoảng 45% (tiền chi trả cho khám bệnh, ngày giường, chiếu chụp, xét nghiệm, phẫu thuật, thủ thuật) còn lại là chi phí về thuốc, máu vật tư y tế sử dụng trực tiếp không tính trong giá dịch vụ khám chữa bệnh.
Do vậy, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế chỉ tác động đến 45% trong tổng phần thanh toán chi phí khám chữa bệnh (do tiền thuốc máu, vật tư thanh toán theo thực tế sử dụng thì không bị thay đổi).
Hiện nay, tỉ lệ dân số tham gia BHYT đã là 93,35% nên dù viện phí tăng thì chi phí tăng ở phần đồng chi trả cũng không quá cao.
Tăng giá dịch y tế để giảm chi tiền túi
- Tại sao việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ sẽ từng bước giảm chi tiền túi của người dân cũng như đảm bảo quyền lợi của bệnh nhân, thưa thứ trưởng?
+ Việc thực hiện lộ trình tính đủ các yếu tố chi phí vào giá là một đòi hỏi thực tế, khách quan. Không phải là tăng chi phí để thực hiện các dịch vụ y tế mà là chuyển các khoản chi trước đây nhà nước bao cấp trực tiếp cho các bệnh viện vào giá, chuyển phần ngân sách này sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT.
Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ cùng với các cơ chế thanh toán của chính sách BHYT thời gian qua góp phần từng bước giảm chi tiền túi của người dân cũng như đảm bảo quyền lợi của bệnh nhân, bệnh viện và cán bộ y tế.
Đối với người dân, giá tính đủ chi phí sẽ khuyến khích các bệnh viện triển khai, phát triển các kỹ thuật y tế, người dân sẽ được thụ hưởng các dịch vụ này ngay trên địa bàn và được BHXH thanh toán, làm tăng quyền lợi của người có thẻ BHYT, đảm bảo công khai, minh bạch, giảm phiền hà cho người bệnh.
Đối với các bệnh viện, việc điều chỉnh giá cũng góp phần đảm bảo nguồn thu cho các cơ sở y tế, các bệnh viện có điều kiện mua các loại thuốc, vật tư, hóa chất, test, kit xét nghiệm với chất lượng cao hơn, làm tăng chất lượng của dịch vụ y tế.
Cùng đó, bệnh viện sử dụng có hiệu quả cơ sở hạ tầng, trang thiết bị đã được đầu tư trong thời gian vừa qua; bệnh viện có nguồn kinh phí để triển khai, phát triển các kỹ thuật y tế và trả lương, thu nhập cho cán bộ y tế. Khi thu nhập được cải thiện, các cán bộ y tế sẽ phục vụ tốt và gắn bó hơn với nghề.
Bình luận (0)