Thông tin trên được đưa ra tại Diễn đàn "Tái cơ cấu nông nghiệp: Giải pháp phát triển hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị nông sản" do Tạp chí Kinh Doanh tổ chức sáng 28-8.
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, trong 6 tháng đầu năm 2024, ngành nông nghiệp tăng trưởng 3,38%, nhiều chuỗi giá trị ngành hàng được hình thành, phát triển mạnh mẽ, nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam đã có mặt tại các thị trường quốc tế (kể cả thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản).
Cả nước đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất giá trị kinh tế cao, như: Mô hình vườn cây ăn trái tập trung chuyên canh tại Cần Thơ đem về doanh thu bình quân 500 triệu đồng/ha/năm; vùng xoài cát Hòa Lộc sản lượng 10.000 tấn/năm; mô hình nuôi tôm thẻ siêu thâm canh tại Bạc Liêu cho năng suất 80 tấn/ha năm, doanh thu 9,2 tỉ đồng/ha; mô hình sản xuất lợn giống (270.000 con giống/năm)...
Trong khi đó, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân dẫn số liệu thống kê cho thấy hiện nay cả nước có trên 4.000 HTX tham gia liên kết theo chuỗi giá trị (chiếm gần 13% tổng số HTX) với các hình thức liên kết chuỗi giá trị phát triển đa dạng theo các công đoạn trong chuỗi giá trị nông sản.
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam nhấn mạnh: "Có thể nói, để thúc đẩy tiêu thụ nông sản một cách tốt nhất và nâng cao giá trị cho nông sản Việt thì việc phát triển hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị nông sản là vấn đề sống còn trong tái cơ cấu nông nghiệp.
Điều này nhằm đáp ứng cho thị trường quốc tế đang tiếp tục mở rộng cho Việt Nam với gần 20 FTA đã ký kết và đàm phán, cũng như đáp ứng nhu cầu cho thị trường trong nước với quy mô hơn 100 triệu dân".
Tuy nhiên, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam nhìn nhận một thực tế là vẫn còn nhiều hạn chế và thách thức nhất định cho việc phát triển bền vững chuỗi giá trị nông sản. Một trong những hạn chế lớn nhất hiện nay là mối liên kết giữa các tác nhân trong cùng một khâu (liên kết ngang), cũng như giữa các khâu (liên kết dọc) trong chuỗi giá trị còn lỏng lẻo.
Nói về khó khăn này, ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty Ameii Việt Nam, chia sẻ có nhiều trường hợp doanh nghiệp cung ứng giống, thuốc bảo vệ thực vật, cử cán bộ khoa học kỹ thuật hỗ trợ bà con trong sản xuất nhưng nếu có doanh nghiệp khác đến thu mua với giá cao hơn thì bà con sẽ bán cho đối tác đó.
Trước thực tế trên, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả và tính bền vững của chuỗi giá trị nông sản.
Vì vậy, Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX, doanh nghiệp và nông dân hợp tác với nhau. Việc xây dựng các chuỗi liên kết theo mô hình "từ nông trại đến bàn ăn" sẽ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng giá trị gia tăng.
Bình luận (0)