Phó Thủ tướng Lê Thành Long ký chỉ thị số 27 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện công tác dân số trong tình hình mới, trong đó yêu cầu Bộ Y tế rà soát, hoàn thiện chính sách về dân số để duy trì mức sinh thay thế bền vững.
Bố trí nguồn lực thực hiện công tác dân số
Nội dung chỉ thị nêu rõ công tác dân số hiện nay có những tồn tại, hạn chế, bất cập như mức sinh thay thế chưa thực sự bền vững; chưa có giải pháp đồng bộ, toàn diện thích ứng với già hóa dân số; tuổi thọ trung bình cao nhưng số năm sống khỏe mạnh thấp; chất lượng dân số chậm được cải thiện.
Nguyên nhân chính của những hạn chế, tồn tại trên do một số cơ chế, chính sách về dân số chậm được bổ sung, hoàn thiện; việc tổ chức thực hiện chưa kịp thời, hiệu quả; đầu tư nguồn lực, nhân lực làm công tác dân số chưa tương xứng; một số địa phương có mức sinh giảm dưới mức sinh thay thế.
Để kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế tăng cường kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện hiệu quả chủ trương, chính sách, pháp luật về công tác dân số, nhất là các giải pháp để duy trì mức sinh thay thế bền vững, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, thích ứng với già hóa dân số và nâng cao chất lượng dân số.
Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật về dân số, trọng tâm là các giải pháp để duy trì mức sinh thay thế bền vững trên phạm vi cả nước phù hợp giữa các vùng, đối tượng dân cư và số lượng, chất lượng dân số; đẩy nhanh tiến độ xây dựng Luật Dân số, báo cáo Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh thành triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, giải pháp của Đảng, Nhà nước về công tác dân số, nhất là các giải pháp để duy trì mức sinh thay thế bền vững, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi theo chương trình, đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản để triển khai đồng bộ, hiệu quả chủ trương, chính sách, pháp luật về công tác dân số, nhất là các địa phương có mức sinh thấp dưới mức sinh thay thế. Rà soát, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân lực làm công tác dân số; bố trí đủ nguồn lực để thực hiện có hiệu quả công tác dân số tại địa phương.
Mức sinh ở Việt Nam giảm kỷ lục
Theo Bộ Y tế, Việt Nam đạt và duy trì mức sinh thay thế suốt 15 năm qua (từ năm 2006, Việt Nam chính thức đạt mức sinh thay thế (2,09 con). Năm 2023, lần đầu tiên Việt Nam chứng kiến tổng tỉ suất sinh thấp nhất từ khi triển khai chương trình dân số (năm 1960).
Mức sinh đã xuống thấp hơn nhiều so với mức sinh thay thế, tập trung ở vùng Đông Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh Duyên hải miền Trung
Hiện số con trung bình của một phụ nữ Việt Nam là 1,96, giảm thấp nhất trong 63 năm và được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong các năm tới.
Tại TP HCM, gần 20 năm qua, mức sinh dao động ở mức 1,24-1,7, thấp hơn nhiều so với mức sinh thay thế (2-2,1 con).
Pháp lệnh Dân số năm 2008 sửa đổi Điều 10 Pháp lệnh Dân số năm 2003 quy định mỗi cặp vợ chồng, cá nhân được "quyết định thời gian và khoảng cách sinh con" và "sinh một hoặc hai con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định".
Căn cứ quy định này, Chính phủ quy định 7 trường hợp không vi phạm quy định sinh 1 hoặc 2 con. Tuy nhiên, Bộ Y tế cho biết quy định này của Pháp lệnh Dân số không còn phù hợp với Hiến pháp năm 2013.
Dự Luật Dân số đang được Bộ Y tế soạn thảo, lấy ý kiến với đề xuất không quy định số con đối với mỗi cặp vợ chồng mà trao quyền quyết định và nghĩa vụ cho mỗi cá nhân, cặp vợ chồng. Đây được đánh giá là thay đổi căn bản trong Dự Luật Dân số so với Pháp lệnh Dân số.
Bình luận (0)