Trong khuôn khổ chương trình đã diễn ra tọa đàm về "thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm", với sự tham gia của lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, đại diện các doanh nghiệp công nghệ...
Các đại biểu tham dự tọa đàm, trong đó có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã trả lời các câu hỏi về chiến lược phát triển kinh tế số, xã hội số; hạ tầng số, nhất là ở vùng sâu, vùng xa; đơn giản hóa các thủ tục, thao tác khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến; giải pháp chống hành vi lừa đảo trực tuyến...
Phát biểu kết luận chương trình, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh chuyển đổi số là xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu cho phát triển nhanh và bền vững.
Chuyển đổi số góp phần thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa, số hóa, thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, xóa bỏ môi trường cho tham nhũng, tiêu cực, giảm chi phí tuân thủ, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, nền kinh tế.
Theo Thủ tướng Chính phủ, vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm có bài viết: "Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới".
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh chương trình hôm nay vừa để chào mừng Ngày Chuyển đổi số quốc gia, vừa triển khai các chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm về chuyển đổi số. "Công cuộc chuyển đổi số khó, nhưng không khó bằng những khó khăn, thử thách mà dân tộc ta đã vượt qua trong lịch sử"- Thủ tướng nêu rõ.
Người đứng đầu Chính phủ đã nêu lại tầm nhìn về chuyển đổi số quốc gia đến năm 2030, các mục tiêu ưu tiên trong chuyển đổi số năm 2024. Thủ tướng cũng đã điểm lại một số kết quả nổi bật trong chuyển đổi quốc gia thời gian qua và những chỉ số trên các bảng xếp hạng được các tổ chức quốc tế đánh giá, ghi nhận.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, công nghiệp công nghệ thông tin có bước phát triển, tác động lan tỏa tích cực đến nhiều ngành, lĩnh vực, có 51.000 doanh nghiệp công nghệ số và tạo 1,5 triệu việc làm. Doanh thu công nghiệp công nghệ số trong 9 tháng ước đạt 118 tỉ USD, tăng 17,8%; doanh thu từ hoạt động phần mềm và dịch vụ số là 6,64 tỉ USD, tăng 9,9%. Xuất khẩu các sản phẩm công nghệ số 9 tháng ước đạt 100,8 tỉ USD, tăng 18,3%.
Số hóa các ngành kinh tế đạt nhiều kết quả tích cực. Nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý, đầu tư, xây dựng, sản xuất và ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây, internet vạn vật, thương mại điện tử tiếp tục có bước phát triển nhanh, thanh toán không dùng tiền mặt được triển khai rộng khắp cả nước...
Chuyển đổi số phục vụ người dân, an sinh xã hội có bước phát triển mạnh mẽ, từng bước hình thành xã hội số, công dân số, nổi bật trên các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, khám chữa bệnh, bảo hiểm xã hội, chi trả an sinh xã hội, tư pháp…
Thời gian tới, để chuyển đổi số thành công, Thủ tướng cho rằng cần phải có những chiến lược trọng tâm, phù hợp để triển khai một cách thần tốc, hiệu quả, có tính bứt phá toàn diện hơn.
"Chuyển đổi số quốc gia phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, động lực, nguồn lực, mục tiêu của sự phát triển. Phải nói thật, làm thật, hiệu quả thật để người dân, doanh nghiệp thụ hưởng thật"- Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng nêu rõ quan điểm phát triển kinh tế số là nâng cấp nền kinh tế số với những đột phá và cải cách mạnh mẽ, toàn diện, bao trùm hơn nữa để Việt Nam bắt kịp, tiến cùng và vươn lên trên các lĩnh vực.
Hướng tới một xã hội số phát triển, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh cần đẩy mạnh chuyển đổi số hướng tới nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và sức khỏe; giáo dục, đào tạo và dạy nghề, bảo đảm an sinh xã hội.
Theo lãnh đạo Chính phủ, thời gian tới cần đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược số, gồm: Đột phá về thể chế số; Đột phá về hạ tầng số; Đột phá về nguồn nhân lực số, với phương châm "thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, nhân lực thông minh".
Nhấn mạnh về đột phá hạ tầng số, Thủ tướng yêu cầu sớm đưa 5G vào thương mại tại một số thành phố lớn. Phát triển các trung tâm ứng phó sự cố, an ninh mạng, an toàn thông tin. Đẩy mạnh xây dựng và phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành để quản lý, điều hành trên cơ sở dữ liệu; tăng cường kết nối, tích hợp, chia sẽ dữ liệu để nâng cao chất lượng dịch vụ công, tiện ích cho người dân, doanh nghiệp.
Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án 06, hình thành hệ sinh thái công dân số. Thủ tướng cũng yêu cầu, phấn đấu đưa toàn bộ các dịch vụ công lên các nền tảng số của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương để tạo thuận lợi, giảm chi phí tuân thủ, chi phí đi lại, giảm tham nhũng, tiêu cực, phiền hà, sách nhiễu cho người dân và doanh nghiệp.
Bình luận (0)